Palestine khó ngăn Israel sáp nhập Bờ Tây

07/07/2020 | 19:39 GMT+7

Nỗ lực để vận động xây dựng liên minh quốc tế nhằm ngăn cản kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel đang được chính quyền Palestine thực hiện bằng con đường ngoại giao.

Quang cảnh khu định cư Do Thái Givat Zeev của Israel ở Bờ Tây ngày 10-6-2020. Nguồn: AFP

Ông Saeb Erekat, Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cho biết Palestine đã nỗ lực vận động một số quốc gia trong Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thành lập liên minh quốc tế chống lại kế hoạch của Israel sáp nhập các vùng lãnh thổ Bờ Tây. Theo ông Erekat, mục tiêu của liên minh quốc tế là buộc Israel phải chịu trách nhiệm nếu nước này vẫn tiến hành kế hoạch sáp nhập.

Cùng quan điểm trên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã thông báo với các nhà lãnh đạo thế giới về hậu quả của kế hoạch sáp nhập của Israel. Theo đó, nếu kế hoạch trên được thực hiện sẽ phá vỡ hoàn toàn thỏa thuận đã được ký kết giữa nước này với Israel về giải pháp “hai nhà nước” tại vùng đất này đã được quốc tế công nhận. Trước đó, để đáp trả kế hoạch của Israel, ông Palestine đã hủy bỏ tất cả các thỏa thuận với Israel và Mỹ, đồng thời vận động thành công các lực lượng và phe phái quốc gia, Hồi giáo tại Dải Gaza đạt được thỏa thuận về kế hoạch hành động quốc gia thống nhất nhằm chống lại “Thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ.

Theo dự kiến, kế hoạch sáp nhập các khu định cư người Do Thái ở khu vực Bờ Tây và Thung lũng Jordan của Israel sẽ bắt đầu từ tháng 7. Theo đó, Chính phủ Israel sẽ sáp nhập hơn 30% diện tích khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, đồng thời có kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với một số khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ này. Hiện có hơn 450.000 người Israel sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây và khoảng 200.000 người sống ở Đông Jerusalem. Tại Bờ Tây hiện có khoảng 2,8 triệu người Palestine sinh sống.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi cho biết việc sáp nhập khu Bờ Tây hiện không nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu kế hoạch sáp nhập này có bị hủy bỏ hoàn toàn hay không, ông Ashkenazi lại trả lời mập mờ: “Tôi không biết”.  Điều này càng dấy lên nghi ngờ câu trả lời của ông Ashkenazi nhằm đánh lừa dư luận để Israel tiếp tục theo đuổi kế hoạch.

Cũng theo ông Ashkenazi, một thành viên của đảng Xanh Trắng theo đường lối trung dung và đối tác của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong chính quyền liên minh, Bộ Ngoại giao Israel đang chuẩn bị những đánh giá ngoại giao về những tác động tiềm tàng của động thái này. Ngoại trưởng Ashkenazi cũng cho biết ông đã trao đổi với khoảng 30 người đồng cấp từ châu Âu và Trung Đông về kế hoạch này và những tác động của nó.

Israel từng thông báo ý định sẽ tiến hành quá trình sáp nhập lãnh thổ từ đầu tháng 7, song do bất đồng trong nội bộ, cũng như phản đối từ phía Palestine, khối Arab, Liên minh châu Âu (EU) nên Thủ tướng Netanyahu chưa thực hiện sáp nhập như tuyên bố. Hiện Mỹ cũng chưa đưa ra quyết định có ủng hộ kế hoạch này của Israel hay không.

Trong một động thái được cho là nhạy cảm liên quan, đêm 5-7, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã không kích một số mục tiêu của Hamas tại Dải Gaza sau khi phong trào Hồi giáo được cho là đã bắn 3 rocket vào khu vực miền Nam Israel ít giờ trước đó. Một số kênh thông tin tại Gaza cho hay trong đợt tấn công, quân đội Israel đã đánh trúng 1 trạm kiểm soát của Hamas và tấn công khu vực được gọi là “đất nông nghiệp” tại phía Đông Gaza. Động thái này càng làm cho căng thẳng giữa Irael và Palestine gia tăng, nhiều khả năng sẽ dẫn đến chiến tranh không mong muốn giữa hai nước.

Đánh giá những diễn biến gần đây tại Dải Gaza, các nhà phân tích cho rằng dù được quốc tế ủng hộ nhưng Palestine khó ngăn được Israel sáp nhập khu vực Bờ Tây nếu Mỹ đồng thuận. Bởi lẽ, trước đây không lâu, Israel đã có hành động tương tự khi tuyên bố Jerusalem là thủ đô của nước này và được Mỹ công nhận.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>