Pháp có nguy cơ lún sâu vào bất ổn chính trị

22/03/2023 | 05:51 GMT+7

Tranh luận, biểu tình liên tục diễn ra xung quanh Luật cải cách hưu trí đã làm nước Pháp rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị.

Người dân tham gia biểu tình phản đối cải cách chế độ hưu trí tại Paris, Pháp, ngày 16-3-2023. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dùng quyền đặc biệt trong hiến pháp để thông qua Luật cải cách hưu trí mà không cần Hạ viện phê chuẩn. Theo luật mới, tuổi hưu của người lao động sẽ tăng thêm 3 tháng mỗi năm từ tháng 9 năm nay và sẽ chạm mức 64 tuổi vào năm 2030. Tuổi nghỉ hưu hiện nay ở Pháp là 62 tuổi.

Từ năm 2027, người lao động sẽ phải có thâm niên đủ 43 năm, thay vì 42 năm như trước đây, nếu muốn hưởng lương hưu đầy đủ. Luật mới đảm bảo mức lương thấp nhất cho người mới nghỉ hưu không ít hơn 85% lương tối thiểu, tương đương 1.200 euro/tháng. Sau năm đầu tiên, lương hưu sẽ được tính toán lại theo chỉ số lạm phát.

Tuy nhiên, Luật cải cách hưu trí này đã vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận Pháp, châm ngòi nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn trên cả nước.

Các công đoàn phản đối luật này vì cho rằng những quy định mới sẽ gây thiệt thòi cho người lao động chân tay thu nhập thấp. Họ thường bắt đầu tham gia thị trường lao động sớm nên theo luật mới, thời gian làm việc của họ sẽ dài hơn người có bằng đại học, đối tượng ít bị ảnh hưởng hơn.

Henri Sterdyniak, nhà kinh tế tại tổ chức nghiên cứu cánh tả Observatoire Francais des Conjonctures Economiques, cảnh báo Luật cải cách hưu trí sẽ tác động tới nhiều thành phần của xã hội Pháp, nhưng tầng lớp lao động phổ thông sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn. Theo ông Sterdyniak: “Những người có bằng đại học phải làm việc quá tuổi nghỉ hưu tối thiểu để được hưởng lương đầy đủ, vì họ bắt đầu tham gia thị trường lao động muộn hơn”. Cụ thể, những cử nhân tốt nghiệp đại học lúc 22 tuổi, nếu tham gia thị trường lao động ngay lập tức, sẽ không có đủ 43 năm làm việc tối thiểu nếu nghỉ hưu ở tuổi 64 theo luật mới. Do đó, họ sẽ phải làm việc thêm ít nhất một năm để được hưởng mức lương hưu đầy đủ theo luật định.

Trong khi đó, những người có bằng cấp thấp hơn, tham gia thị trường lao động sớm hơn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Điển hình một lao động phổ thông bắt đầu đi làm từ năm 19 tuổi sẽ tích lũy đủ 43 năm cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ vào năm 62 tuổi. Nếu tăng tuổi hưu thêm hai năm, họ sẽ bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron cho rằng cải cách hưu trí là cần thiết để giữ cho hệ thống hưu trí của đất nước bền vững hơn. Quy định nâng tuổi hưu sẽ tăng tỷ lệ việc làm trong độ tuổi 60-64. Ở Pháp, tỷ lệ làm việc trong độ tuổi này là 33%, trong khi ở Đức là 61% và Thụy Điển là 69%.

Theo ước tính của Bộ Lao động Pháp, những thay đổi này sẽ giúp ngân sách lương hưu tăng thêm 17,7 tỉ euro (18,8 tỉ USD) mỗi năm tới 2030. Lương hưu của 30% người thuộc nhóm nghèo nhất sẽ tăng 2,5-5%.

Nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ biện pháp tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Macron. Jean-Marc Daniel, giáo sư danh dự Học viện Kinh doanh ESCP tại Paris cho rằng: “Năm 1950, cứ 4 người đi làm gánh lương cho một người nghỉ hưu. Năm 2000, con số này là hai trên một. Năm 2040, chưa tới 1,3 người gánh lương hưu cho một người. Họ sẽ không thể chịu nổi gánh nặng tài chính”.

Còn Philippe Crevel, nhà kinh tế học, người đứng đầu tổ chức tư vấn Cercle de l’Epargne, cũng ủng hộ biện pháp tăng tuổi hưu. Crevel khẳng định: “Cần cải cách hưu trí, vì chúng ta phải thu hút nhiều người hơn tham gia lực lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ việc làm ở nhóm người lớn tuổi tại Pháp tương đối thấp so với những nước khác. Tăng tuổi hưu sẽ đẩy tỷ lệ này tăng lên.

Tuy nhiên, thực tế số người đồng thuận với Luật cải cách hưu trí ở Pháp thấp hơn nhiều lần so với số người phản đối. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến biểu tình ở nước này chưa có hồi kết. Hệ lụy của vấn đề này khiến nước Pháp đứng trước nguy cơ lún sâu bất ổn chính trị trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>