Quan hệ Mỹ - Thổ ngày càng “nguội lạnh”

12/12/2019 | 19:08 GMT+7

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây cứ gia tăng làm cho khoảng cách giữa hai nước đồng minh này ngày một xa hơn. 

Căn cứ không quân Incirlik, gần Adana, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Mới đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này có thể sẽ yêu cầu Mỹ rời khỏi căn cứ không quân Incirlik nếu Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt như đã đe dọa đáp trả việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ông Cavusoglu khẳng định: “Chúng tôi sẽ đánh giá kịch bản tồi tệ nhất và đưa ra quyết định. Nếu Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thì vấn đề căn cứ Incirlik và Kurecik có thể sẽ được đưa ra xem xét”.

Trước đó, hồi cuối tháng 10, phía Nga thông báo đã hoàn tất việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do nước này sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ. S-400 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới và có thể bắn trúng các mục tiêu cách xa tới 400km. Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hệ thống S-400 sẽ đi vào vận hành đầy đủ vào tháng 4-2020.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ trang bị hệ thống S-400 đã khiến quan hệ giữa Ankara và Washington gia tăng căng thẳng. Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400 với lo ngại nó không tương thích với các tiêu chuẩn an ninh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có thể đe dọa hoạt động của máy bay F-35 do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, hồi tháng 11 vừa qua, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Ankara có thể mua hệ thống Patriot của Mỹ nhưng nước này coi đề nghị loại bỏ hệ thống S-400 mua của Nga là sự xâm phạm chủ quyền.

Bất chấp sự phản đối của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thảo luận với Nga về hợp đồng mua lô tên lửa S-400 mới. Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga Dmitry Shugaev, cho hay hai bên đang từng bước thảo luận về vấn đề này, và quan trọng nhất là cả hai đều quyết tâm theo đuổi thương vụ trên. Ông Shugaev cho hay hoàn toàn có khả năng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ký hợp đồng về việc bàn giao thêm một lô hệ thống tên lửa S-400 vào năm tới.

Mới đây, người đứng đầu Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport của Nga cho hay Matxcơva hy vọng đạt thỏa thuận cung cấp thêm các hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020. Động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến quan hệ của Washington và Ankara càng thêm xa hơn.

Thực tế, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ bị rạn nứt từ việc Ankara bắt tay với Nga tấn công lực lượng người Kurd - một đồng minh của Mỹ tại Syria làm cho Mỹ mất uy tín và thất hứa với lực lượng này. Động thái “vuốt mặt không nể mũi” của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho Mỹ bực tức. Sau đó là thương vụ mua hệ thống S-400 của Nga càng làm cho Washington điên tiết.

Một số chuyên gia nhận định thương vụ như trên sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng căng thẳng. Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, đã ký hợp đồng mua 4 hệ thống phòng không S-400 của Nga, trị giá 2,5 tỉ USD. Mỹ đã kịch liệt chỉ trích thương vụ mua vũ khí này của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời loại Ankara ra khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của NATO. Chính phủ Mỹ đồng thời để ngỏ khả năng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến thương vụ trên.

Trong một động thái liên quan, Đức bắt đầu rút quân ra khỏi căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi binh sĩ Đức hỗ trợ cho chiến dịch quốc tế chống IS. Việc Đức xem xét rút quân khỏi căn cứ Incirlik xuất phát từ việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phái đoàn nghị sĩ Đức đến thăm các binh sĩ ở đây.

Những diễn biến liên quan gần đây cho thấy, chẳng những quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ngày càng gia tăng căng thẳng mà nhiều quốc gia phương Tây cũng bắt đầu xa lánh quốc gia này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>