Quan hệ Mỹ - Triều ngày càng nguội lạnh

07/11/2019 | 08:40 GMT+7

Hiện Mỹ vẫn cố áp đặt những chính sách cứng rắn của mình nhằm vào Triều Tiên, đã khiến Bình Nhưỡng mất dần sự kiên nhẫn. Điều này cảnh báo cánh cửa đối thoại giữa hai nước đang hẹp lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12-6-2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây, Mỹ lại tiếp tục để Triều Tiên trong danh sách các nước tài trợ khủng bố. Cụ thể trong Báo cáo Quốc gia về Khủng bố được công bố hôm 1-11, Mỹ tiếp tục xác định Triều Tiên là một quốc gia tài trợ khủng bố như báo cáo của năm 2017, nhưng lược bớt những miêu tả trước đây về “cách hành xử nguy hiểm” của chính quyền ông Kim Jong-un, có thể do đang cân nhắc tới các cuộc đàm phán hạt nhân hiện nay giữa hai bên.

Bên cạnh đó, Washington cũng cố ý lần lữa đàm phán hòa bình Mỹ - Triều. Mỹ vẫn đưa ra lập luận cũ: “Chừng nào Triều Tiên xóa bỏ triệt để chương trình hạt nhân thì sẽ tiến hành đàm phán”. Đi kèm với những chính sách thù địch, tăng dần các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, về mặt ngoại giao, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cho rằng, Mỹ và Triều Tiên đang có những tiến triển rất tốt. Ông Trump cũng không ngại dùng những lời khen ngợi “có cánh” đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Phản ứng mãnh liệt với chính sách thù địch của Mỹ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), đã “lên án và hoàn toàn bác bỏ báo cáo khủng bố gần đây của Mỹ. Đồng thời cho rằng đây là một hành động khiêu khích mang động cơ chính trị nguy hại”. Phát ngôn viên này cho biết thêm: “Kênh đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ đang ngày càng thu hẹp do thái độ và lập trường thù địch của Mỹ”. Những nỗ lực của Mỹ nhằm gán cho Triều Tiên “cái mác” quốc gia tài trợ khủng bố “vào một thời điểm nhạy cảm” khi cuộc đối thoại đang bế tắc là một sự “lăng mạ và phản bội” Bình Nhưỡng.

Thực tế, sau cuộc gặp cấp chuyên viên tại Stockholm (Thụy Điển), đến nay, các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều vẫn đang ở thế bế tắc. Tuy nhiên, lần đàm phán này cũng nhanh chóng đổ vỡ, với việc Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã đến nói chuyện “bằng tay không” và không đưa ra được một đề xuất mới nào. Hiện Mỹ vẫn khá “đủng đỉnh” với những chính sách cứng rắn của mình dành cho Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng đã tỏ ra mất dần đi sự kiên nhẫn.

Giới chức ngoại giao Triều Tiên cảnh báo, sẽ là sai lầm nếu Mỹ phớt lờ hạn chót “cuối năm” sẽ diễn ra đàm phán mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt ra. Triều Tiên kêu gọi Mỹ thay đổi cách tiếp cận: thay vì tiếp tục gây sức ép với Bình Nhưỡng hay thúc ép các quốc gia khác áp đặt lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, Mỹ nên lưu tâm tới lời kêu gọi chấp nhận phương pháp tiếp cận mới.

Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) vừa đưa ra nhận định, các cuộc đối thoại Mỹ - Triều có thể sẽ sớm được nối lại vào giữa tháng 11 này hoặc muộn nhất là đầu tháng 12 tới. Thậm chí, một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều mới vẫn có thể diễn ra ngay trong năm nay, bởi thực tế nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng đặt ra hạn chót vào cuối năm để hai bên đạt tiến triển trong đàm phán.

Tuy nhiên, giới quan sát lại cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều khó có thể xảy ra trong giai đoạn này cho dù lãnh đạo hai nước có quan hệ khá tốt. Bởi lẽ, ngoài trông chờ đối phương có động thái trước trong thỏa thuận hòa bình, hai bên gần đây lại có những bất đồng khá lớn khó có thể dung hòa. Điều này đồng nghĩa với cánh cửa đối thoại giữa hai nước sẽ thu hẹp dần.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>