Thế giới gần 100 triệu cas mắc Covid-19

26/01/2021 | 06:42 GMT+7

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, buộc chính phủ các nước phải tăng cường những biện pháp ứng phó, đặc biệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể vi-rút corona chủng mới nguy hiểm hơn.

Ấn Độ sẽ mở rộng phạm vi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ảnh: AP

Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 25-1 (theo giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho gần 99,7 triệu người, trong đó hơn 2,1 triệu cas tử vong. Song, gần 71,7 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã được chữa khỏi.

Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 25,7 triệu cas mắc và 429.296 người thiệt mạng. Tân Tổng thống Joe Biden sẽ áp lệnh cấm nhập cảnh đối với hầu hết những người không phải là công dân Mỹ đến từ Nam Phi nhằm ngăn chặn sự lây lan của một biến thể vi-rút corona chủng mới. Lệnh cấm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30-1.

Ông Biden ngày 25-1 dự kiến cũng tái áp đặt lệnh cấm với hầu hết những người không phải là công dân Mỹ nhập cảnh từ Brazil, Anh, Ireland và 26 nước thuộc châu Âu cho phép đi lại qua các biên giới mở.

Tổng thống Biden đã cam kết sẽ quyết liệt dập dịch hơn so chính quyền của người tiền nhiệm. Sau khi nhậm chức, ông đã ký một loạt sắc lệnh đảo ngược các chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump, bao gồm một số lệnh về phân phối vắc-xin ngừa Covid-19.

Sau Mỹ, hai ổ dịch lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới lần lượt là Ấn Độ với xấp xỉ 10,7 triệu cas nhiễm và Brazil với hơn 8,8 triệu bệnh nhân.

Ngày 25-1, Ấn Độ sẽ mở rộng phạm vi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do nước này sản xuất mang tên Covaxin. Thêm 7 bang được đưa vào danh sách triển khai tiêm chủng, nâng tổng số lên 19 bang. Tính đến thời điểm này, gần 1,6 triệu người ở Ấn Độ đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Quốc gia Nam Á này đang ưu tiên các mũi tiêm cho 30 triệu nhân viên y tế và những nhân viên ở tuyến đầu chống dịch như nhân viên vệ sinh và an ninh.

Trong khi đó, nước Pháp đang đối mặt nguy cơ tái phong tỏa lần 3. Jean-François Delfraissy, người đứng đầu hội đồng khoa học cố vấn cho Chính phủ Pháp trong cuộc chiến chống Covid-19 phát biểu trên Đài truyền hình BFM rằng, nước này có thể cần phải áp phong tỏa toàn quốc lần 3 ngay từ đầu tháng 2, khi các học sinh có 2 tuần nghỉ học.

Hôm 16-1, Pháp đã bắt đầu triển khai lệnh giới nghiêm buổi tối trong ít nhất 2 tuần nhằm làm chậm lại sự lây lan của vi-rút. Song, số cas nhiễm mới trung bình mỗi ngày vẫn tiếp tục tăng từ 18.000 người lên hơn 20.000 người. Theo ông Delfraissy, sự xuất hiện của các biến thể dễ lây lan hơn ở Anh, Nam Phi, Brazil và hiện cả ở bang California, Mỹ đã thay đổi hoàn toàn tình hình đại dịch trong 3 tuần qua.

Cố vấn y tế hàng đầu của Pháp nhận định, những biến thể vi-rút mới “tương đương với mầm bệnh gây đại dịch thứ 2”. Ông cảnh báo, nếu Pháp không siết chặt các quy định phòng chống, nước này sẽ rơi vào tình thế cực kỳ nghiêm trọng từ giữa tháng 3.

Chính phủ Pháp dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 27-1 để quyết định liệu có phải thực hiện thêm các biện pháp mạnh tay khác nhằm ngăn chặn vi-rút hay không.

Còn tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 24-1 thông báo, nhà chức trách địa phương đã phát hiện tổng cộng 77 cas nhiễm biến thể mới của vi-rút corona chủng mới từ Nam Phi và 9 cas nhiễm biến thể mới từ Brazil. Theo trang Worldometers, Anh hiện ghi nhận hơn 3,6 triệu cas mắc với gần 98.000 người tử vong vì dịch.

BBC dẫn lời ông Hancock cho hay, tất cả các cas bệnh nói trên đều là những trường hợp nhập cảnh. Giới chức y tế Anh đang theo dõi chặt chẽ những trường hợp này nhằm ngăn chặn các biến thể phát tán.

Trước khi các biến thể vi-rút từ Nam Phi và Brazil xuất hiện, Anh đã phải vật lộn ứng phó với sự gia tăng số cas nhiễm trong nước liên quan đến một biến thể bùng phát lần đầu ở vùng England. Thủ tướng Boris Johnson khuyến cáo biến thể nói trên có khả năng liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn ở nước này.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>