Thế giới nỗ lực cứu trợ nhân đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

08/02/2023 | 10:45 GMT+7

Động đất nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã làm hàng nghìn người chết khiến hai quốc gia trên kêu gọi quốc tế hỗ trợ nhân đạo.

Lực lượng cứu hộ đang tích cực tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát. Ảnh: ALJAZEERA

Theo đó, trận động đất xảy ra ở khu vực Kahramanmaras gần biên giới với Syria, với cường độ 7,8 độ richter, trong khi một cơn chấn động khác được ghi nhận vào chiều ngày 6-2, với cường độ 7,5 độ richter. Dư chấn của trận động đất cũng lan đến các thành phố phía Bắc Syria và Iraq.

Tính đến sáng ngày 7-2, số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do hậu quả của trận động đất đã tăng lên hơn 4.300 người. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ số người chết đã tăng lên 3.000 người, còn tại Syria con số này đã tăng lên tới 1.300 người. Hiện vẫn còn rất nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát cần được giải cứu kịp thời. Do vậy, số người thiệt mạng dự báo sẽ còn tăng lên theo thời gian. Dự báo con số thương vong sẽ tăng lên hơn 20.000 người. Ngoài ra còn có hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy. Lực lượng cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát.

Sở dĩ trận động đất gây ra thiệt hại thảm khốc bởi những nguyên nhân như tâm chấn nông, khoảng 18km nên sức tàn phá mạnh, khu vực này lại đông dân cư khoảng 2 triệu người sinh sống, động đất lại xảy ra vào ban đêm nên thiệt hại nhiều. Mặt khác, thời tiết tại khu vực động đất lại khắc nghiệt rất lạnh nên việc cứu hộ gặp khó khăn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố để quốc tang 7 ngày sau trận động đất kinh hoàng xảy ra ở nước này. Thổ Nhĩ Kỳ treo cờ rủ trong nước và tại các cơ quan đại diện nước ngoài cho đến ngày 12-2. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã làm tạm dừng các hoạt động tại cảng dầu Ceyhan và các hoạt động đường ống xuất khẩu dầu từ Kirkuk ở miền Bắc Iraq.

Các chuyên gia địa chất mô tả trận động đất vừa xảy ra là lớn nhất trong lịch sử của khu vực và sức tàn phá xấp xỉ trận động đất Erzincan xảy ra ở Đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1939. Các chuyên gia cũng cảnh báo về những tác động có thể xảy ra của các trận động đất và khả năng xảy ra hậu quả trong thời gian tới, đặc biệt là với cường độ lớn hơn.

Trong khi đó, tại Syria do thiệt hại nặng nề bởi trận động đất gây ra nên quốc gia Trung Đông này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ. Bộ Ngoại giao Syria kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư ký của tổ chức, các cơ quan và quỹ chuyên môn, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và các đối tác hành động nhân đạo khác chung tay giúp đỡ và hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Syria trong việc đối mặt với thảm họa động đất kinh hoàng.

Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Iraq đã thông báo đã cử một đội cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ và cứu trợ cho các nạn nhân của trận động đất, cùng 60 tấn hàng cứu trợ, lương thực và viện trợ y tế đã sẵn sàng được gửi tới Syria.

Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed đã chỉ đạo Bộ chỉ huy tác chiến chung phát động Chiến dịch “Hiệp sĩ dũng cảm 2” nhằm hỗ trợ nhân dân Syria và Thổ Nhĩ Kỳ giảm thiểu ảnh hưởng của trận động đất.

Quốc vương Jordan đã chỉ đạo hỗ trợ gia đình các nạn nhân cũng như những người bị thương ở hai nước.

Cùng ngày, Ai Cập đang gửi viện trợ khẩn cấp tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria giúp các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.

Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố, 13 quốc gia châu Âu đã đề nghị gửi các đội cứu hộ để đóng góp vào các nỗ lực khắc phục hậu quả của trận động đất. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell và Cao ủy EU về quản lý khủng hoảng Janiz Lenarcic cho biết, 10 đội cứu hộ và tìm kiếm từ Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan và Romania đã nhanh chóng được huy động để hỗ trợ cứu trợ trên mặt đất.

Mặc dù được cộng đồng quốc tế quan tâm hỗ trợ nhân đạo tuy nhiên hệ lụy của trận động đất để lại đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria quá lớn khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>