Thêm nhiều quốc gia phản đối Trung Quốc

29/07/2020 | 08:37 GMT+7

Nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục phản đối yêu sách phi lý “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chiến hạm Australia, Mỹ và Nhật Bản diễn tập tại Biển Philippines, ngày 21-7. Ảnh: US Navy

Mới đây, Australia đã gửi Công hàm số 20/026 lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Công hàm của Australia khẳng định, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là cơ sở giải quyết các tranh chấp hàng hải. Công ước cũng đồng thời bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc dựa trên quyền lịch sử, yêu sách về Tứ Sa, yêu sách về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, công hàm cũng nhấn mạnh không chấp nhận các thực thể nhân tạo có quy chế của một hòn đảo và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, Australia cho rằng UNCLOS là căn cứ cho mọi yêu sách cũng như các tranh chấp hàng hải và phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016 cũng cần phải được tuân thủ.

 Sở dĩ Australia có động thái trên bởi vì Sydney lo ngại Bắc Kinh không chỉ tiếp tục có hành động bắt nạt, hăm dọa các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á, xung quanh khu vực Biển Đông mà còn có sự phát triển năng lực quốc phòng của Trung Quốc trong khu vực cũng đang đe dọa tới Australia.

Thủ tướng Australia mới đây đã công bố chương trình hiện đại hóa quân đội trị giá hàng tỉ AUD cũng nhằm mục đích đối phó sự bành trướng của Bắc Kinh. Mặt khác, Australia là đồng minh thân cận của Mỹ nên động thái phản đối Trung Quốc cũng là cùng chung quan điểm với Mỹ.

Trước đó vào đầu tháng 7, Australia đã điều 5 tàu chiến tham gia tập trận cùng với Mỹ và Nhật Bản tại biển Philippine, sự kiện mà Bộ Quốc phòng Australia đánh giá là “một cơ hội quan trọng để thể hiện quan điểm chung về một khu vực thịnh vượng, cởi mở và ổn định”.

Cùng thời gian này, Mỹ cũng đã có hành động quyết liệt phản đối yêu sách ở Biển Đông của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: “Chính sách của Mỹ là rất rõ ràng: Biển Đông không phải là đế chế hàng hải của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh vi phạm luật quốc tế và các quốc gia tự do không làm gì, lịch sử cho thấy, Trung Quốc đơn giản sẽ chiếm thêm lãnh thổ. Những tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế”.

Đây cũng là một phần trong hướng tiếp cận ngày càng cứng rắn hơn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trước các hành vi coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong khu vực, cũng như nằm trong chiến lược chung của Washington với Bắc Kinh giữa bối cảnh căng thẳng 2 nước không ngừng leo thang trong nhiều lĩnh vực.

Trong một động thái liên quan, Mỹ cũng đã điều hai tàu sân bay và huy động cả Máy bay ném bom tầm xa B-52 Stratofortress của không quân Mỹ để tham gia một trong những cuộc diễn tập hải quân lớn nhất trong vài năm qua ở Biển Đông, cùng thời điểm với các cuộc diễn tập của Trung Quốc ở khu vực này. Cùng thời gian này, Mỹ đã lệnh đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston, bang Texas, với cáo buộc liên quan đến gián điệp.

Ấn Độ đã phát đi những tín hiệu cho thấy họ đang nghiêng về lập trường của Mỹ, Nhật Bản, Australia. New Dehli dự kiến tổ chức cuộc tập trận hải quân mở rộng Malabar vào tháng 11-2020 với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản và có thể cả Australia.

Trước đó, Cộng đồng ASEAN cũng đã lên tiếng bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông, đồng thời cực lực lên án những hành động lấn chiếm của Bắc Kinh.

Giới phân tích cho rằng, những động thái gần đây của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ tự do hàng hải trên Biển Đông bị Bắc Kinh phá vỡ. Việc nhiều quốc gia lên tiếng phản đối Trung Quốc sẽ góp phần tích cực kềm hãm sự hung hăng của Bắc Kinh nhằm trả lại sự bình yên vốn có của Biển Đông lâu nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>