Thỏa thuận hòa bình với Taliban bị rạn nứt

25/02/2020 | 18:11 GMT+7

Bất chấp thỏa thuận giảm bạo lực được ký kết với Mỹ, tình trạng xung đột do Taliban ở Afghanistan chủ mưu vẫn diễn ra. Điều này là tác nhân chính khiến thỏa thuận hòa bình giữa Washington và Taliban có nhiều nguy cơ đổ vỡ.

Binh sĩ Mỹ tại Kabul, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Thỏa thuận giảm bạo lực trong 7 ngày giữa Mỹ và lực lượng Taliban, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22-2 vừa qua, được xem là phép thử để các thủ lĩnh Taliban ở Afghanistan thể hiện năng lực kiểm soát các tay súng của nhóm này trước khi ký một thỏa thuận hòa bình với Mỹ.

Lệnh ngừng bắn này, được kỳ vọng sẽ mở đường cho một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở Afghanistan. Hai bên đã thông báo dự kiến ký thỏa thuận hòa bình vào ngày 29-2 tới đây nếu lệnh giảm bạo lực ngắn hạn được thực thi đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận được ký, bạo lực do Taliban chủ mưu vẫn tiếp tục diễn ra tại Afghanistan. Tại tỉnh Kandahar (miền Nam Afghanistan), nơi được coi là thủ phủ của Taliban, một số tay súng thông báo đã nhận được lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, một chỉ huy của Taliban cho biết lực lượng này chỉ nhận được lệnh ngừng tấn công vào các thành phố lớn và tuyến đường cao tốc, nhưng không nhất thiết giảm bạo lực ở khu vực họ đang chiếm giữ.

Chính những diễn biến xấu gần đây đã làm cho phía Mỹ nghi ngờ thiện chí của Taliban. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, cho biết Washington có thể sẽ không ký thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân Taliban ở Afghanistan nếu nhóm này không tuân thủ thỏa thuận giảm bạo lực. Theo đó, Mỹ sẽ xem xét cẩn thận và có thể sẽ không giảm số binh sĩ tại Afganistan xuống dưới mức cần thiết để bảo vệ các lợi ích cũng như các đối tác của Mỹ tại quốc gia này.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng Taliban “đã mệt mỏi vì giao tranh” và cả Mỹ lẫn Taliban đều đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận hòa bình. Thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn sẽ là phép thử để Taliban thực hiện bước đầu cho thỏa thuận hòa bình trong tương lai.

Giới quan sát đánh giá, lệnh ngừng bắn lần này ở Afghanistan chứa đựng nhiều rủi ro. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng “tuần lễ giảm căng thẳng” có thể là thời điểm để các bên tham chiến củng cố lực lượng và đảm bảo lợi thế trên thực địa để chuẩn bị cho những cuộc đối đầu sắp diễn ra.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến dai dẳng tại Afghanistan xuất phát từ việc Mỹ trả đũa vụ khủng bố ở New York, Washington và Pennsylvania ngày 11-9-2001 do lực lượng khủng bố al-Qaeda có căn cứ tại Afghanistan gây ra. Vụ việc đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Taliban, lực lượng Hồi giáo cực đoan nắm quyền ở Afghanistan khi đó, từ chối giao nộp Osama Bin Laden, người đứng đầu của tổ chức này cho Mỹ. Ngày 7-10-2001, Tổng thống Mỹ George W Bush tuyên bố thực hiện cuộc không kích đầu tiên vào Afghanistan. Cùng tham gia với Mỹ có các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, cuộc chiến diễn ra quyết liệt và đẫm máu hơn nên lực lượng của NATO vì lo ngại trước khả năng phải tham chiến không hồi kết đã rút khỏi Afghanistan. Cuộc chiến giờ chỉ còn lại Mỹ và quân đội Afghanistan chiến đấu chống lại Taliban. Điều này giúp cho Taliban hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Taliban đã hoạt động công khai trên 70% lãnh thổ Afghanistan vào năm 2018. Đây là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ, với hơn 19 năm và số binh sĩ Mỹ thiệt mạng đã vượt quá 2.400 người.

Trong những năm qua, Mỹ và Taliban đã trải qua hàng chục vòng đàm phán về thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Do vậy, đàm phán lần này được cho là kỳ vọng sẽ mở ra tín hiệu khả quan lập lại hòa bình ở Afghanistan. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn phải chờ đợi đến sau ngày 29-2.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>