Thượng viện Mỹ có luận tội ông Trump ?

28/01/2021 | 05:38 GMT+7

Vừa rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đứng trước nguy cơ bị luận tội vì kích động bạo lực.

Hạ viện chuyển điều khoản luận tội ông Trump lên Thượng viện. Ảnh: REUTERS

Ngày 25-1, Hạ viện Mỹ đã chuyển điều khoản luận tội ông Trump vì kích động bạo loạn lên Thượng viện, mở đường cho phiên xét xử luận tội ông lần thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9-2 tới đây. Theo đó, 100 thượng nghị sĩ sẽ đóng vai trò như bồi thẩm đoàn trong quá trình xét xử ông Trump. Kết quả có thể dẫn tới việc hủy bỏ tư cách giữ chức vụ tổng thống một lần nữa trong tương lai của ông Trump.

Trước đó, ngoài số nghị sĩ Hạ viện thuộc đảng Dân chủ bỏ phiếu luận tội còn có 10 nghị sĩ Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa cũng đã bỏ phiếu luận tội ông Trump vào ngày 13-1. Theo quy định, đảng Dân chủ hiện đang kiểm soát 50 ghế trong Thượng viện chỉ cần thêm 17 nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ là đủ yếu tố kết tội ông Trump.

Theo Hiến pháp Mỹ, thông thường người chủ trì phiên xét xử luận tội là Chánh án Tòa án tối cao, nhưng khi người bị luận tội không phải là một tổng thống đương nhiệm, thì một thượng nghị sĩ sẽ là người chủ trì. Do vậy tại phiên luận tội ông Trump lần này sẽ do Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy, người làm việc lâu năm nhất tại Thượng viện chủ trì. Ông Leahy, 80 tuổi, được bầu vào Thượng viện lần đầu tiên năm 1974 và hiện nắm giữ vai trò chủ tịch tạm quyền Thượng viện.

Xét về kinh nghiệm và uy tín, ông Leahy là người có đầy đủ điều kiện nhất để chủ trì phiên luận tội ông Trump. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều về việc ông Leahy có quyền bỏ phiếu xét xử luận tội cựu Tổng thống Mỹ hay không?

Một trợ lý Thượng viện cho biết, ông Leahy vẫn có quyền bỏ phiếu trong phiên xét xử luận tội ông Trump. Các thượng nghị sĩ vẫn có thể bỏ phiếu về các vấn đề khi chủ trì phiên xét xử tại Thượng viện. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John Cornyn, thuộc đảng Cộng hòa lại cho rằng: “Làm sao một thượng nghị sĩ vừa chủ trì phiên xét xử như một thẩm phán, lại vừa đóng vai trò như một thành viên bồi thẩm đoàn”.

Mặt khác, phần lớn các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối và cho rằng việc tổ chức phiên xét xử khi ông Trump không còn tại vị là vi hiến. Ông Marco Rubio, nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho rằng trong bối cảnh cả nước Mỹ đều đang bùng nổ sự chia rẽ nghiêm trọng, thì phiên luận tội không khác gì hành động “đổ thêm dầu vào lửa”. Mặc dù, ông thừa nhận Tổng thống Trump phải chịu một phần trách nhiệm vì những gì đã xảy ra, khi kêu gọi hàng nghìn người ủng hộ đổ về thủ đô Washington để phản đối Quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Tuy nhiên, theo nghị sĩ Rubio, việc khơi lại vấn đề này sẽ chỉ làm tổn thương nước Mỹ.

Bên cạnh đó, các nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa lại tin rằng Thượng viện không có quyền luận tội cựu Tổng thống Trump bởi ông đã là một công dân bình thường. Trái ngược với quan điểm này, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Utah Mitt Romney cho rằng phần lớn các quan điểm pháp lý đều cho thấy việc tiến hành luận tội sau khi Tổng thống rời nhiệm sở là hợp hiến và ông cũng tán thành các cáo buộc đối với Tổng thống Trump.

Về phần mình, người phát ngôn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Jen Psaki nêu rõ Tổng thống tin tưởng vào quyết định của Thượng viện và Quốc hội trong việc luận tội cựu Tổng thống Trump.

Nếu phiên luận tội chính thức diễn ra thì ông Trump đã trở thành Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần trong một nhiệm kỳ. Hồi đầu năm 2020, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát chính thức khởi động phiên tòa luận tội đối với Tổng thống Donald Trump với hai tội danh lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Mặc dù sau gần hai tuần tranh tụng và xét xử, ông Trump đã được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát “tha bổng”, song đây là vị tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị Quốc hội luận tội.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>