Tổng tuyển cử ở Thái Lan: Cuộc đua còn nhiều gay cấn

23/03/2023 | 07:38 GMT+7

Mặc dù chưa chính thức nhưng các đảng phái ở Thái Lan đã tiến hành vận động để giành ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra giữa tháng 5 tới.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Thái Lan tại thủ đô Bangkok. Ảnh: TTXVN

Ngày 21-3, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) thông báo chính thức lịch trình tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu ra Hạ viện khóa mới vào ngày 14-5 tới. Các điểm bỏ phiếu sớm sẽ được mở một tuần trước đó, vào ngày 7-5.

EC cho biết, các ứng cử viên cho 400 ghế Hạ viện theo khu vực bầu cử sẽ phải tiến hành đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 7-4 tới, tại một số địa điểm nhất định. Từ ngày 4 đến 7-4, các ứng cử viên tranh cử vào 100 ghế Hạ nghị sĩ theo danh sách đảng phái phải nộp đơn đăng ký tới EC. Bên cạnh đó, các đảng cũng phải đệ trình lên Ủy ban Bầu cử danh sách các ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng vào ngày 7-4. Theo Hiến pháp Thái Lan, mỗi đảng phái chính trị được phép đề cử ba ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng.

Sau cuộc bầu cử ngày 14-5, các thành viên Hạ viện mới trúng cử sẽ cùng các Thượng nghị sĩ bầu ra một Thủ tướng Chính phủ mới từ danh sách các ứng cử viên mà các đảng đề cử. Thủ tướng mới cần nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376 đại biểu, tức hơn 50% số thành viên của hai viện Quốc hội.

Trước đó, vào chiều ngày 20-3, Nhà Vua Thái Lan đã phê chuẩn Sắc lệnh giải tán Hạ viện, mở đường tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5 tới.

Mới đây, phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết: “Đã đến lúc tiến tới, hướng tới cuộc bầu cử” và chính phủ của ông vẫn sẽ điều hành đất nước với tư cách chính phủ lâm thời.

Từ nhiều ngày qua, các chiến dịch tranh cử không chính thức đã được các đảng rầm rộ tiến hành trên khắp Thái Lan. Đa số các đảng đều tập trung vào các vấn đề tạo thêm việc làm, tăng phúc lợi xã hội, cải thiện tình hình kinh tế nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Trong một động thái liên quan, các cựu Thủ tướng Thái Lan tham gia vận động tranh cử nhằm tăng cường sức mạnh cho đảng Dân chủ, chính đảng lâu đời nhất ở nước này. Theo đó, Chủ tịch đảng Dân chủ Thái Lan, Jurin Laksanawisit cho biết, cựu Thủ tướng Chuan Leekpai, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và cựu Phó Thủ tướng Banyat Bantadtan đều sẽ tham gia chiến dịch vận động tranh cử trước thềm cuộc tổng tuyển cử tới.

Mặc dù sẽ tham gia chiến dịch vận động tranh cử, song các ông Abhisit và Banyat sẽ không ứng cử ghế Hạ nghị sĩ. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Chuan Leekpai sẽ tiếp tục ứng cử ghế Hạ nghị sĩ theo danh sách đảng.

Trong lịch sử hình thành và phát triển hơn 70 năm qua, đảng Dân chủ luôn là một trong những chính đảng có sức ảnh hưởng, uy tín lớn nhất ở Thái Lan. Đảng này nhiều lần giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử để đứng ra thành lập Chính phủ mới. Tuy nhiên, đảng Dân chủ suy yếu và không thể cạnh tranh với các đảng có liên quan cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong tất cả các cuộc tổng tuyển cử kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay.

Một khảo sát trên 2.000 ý kiến vào cuối tuần qua cho thấy, bà Paetongtarn Shinawatra của đảng Vì nước Thái nhận được 50% ủng hộ; Còn đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha của Đảng Quốc gia Thái thống nhất chỉ được 12% phiếu ủng hộ. Tương tự, cuộc khảo sát do Viện Quản lý phát triển quốc gia (NIDA) thực hiện, được công bố vào cuối tuần qua, cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Paetongtarn là 38,2% trong khi tỷ lệ ủng hộ với ông Prayuth xếp ở vị trí thứ ba với 15,65%.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng, lợi thế vẫn nghiêng về  ông Prayut do có quân đội hậu thuẫn.

Chính những yếu tố này sẽ làm cho cuộc đua vào ghế Thủ tướng Thái Lan giữa các đảng càng gây cấn hơn trong những ngày tiếp theo.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>