Tranh luận giữa ông Trump với bà Harris: “Vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn”

13/09/2024 | 05:01 GMT+7

Mặc dù tự tin sẽ dễ dàng thắng bà Harris trong cuộc tranh luận mang tính quyết định, nhưng ông Trump đã đánh giá sai đối thủ nên phải trả giá đắt.

Bà Harris chủ động đưa tay ra để bắt tay ông Trump khi bước vào cuộc tranh luận tối 10-9. Ảnh: Getty

Cuộc tranh luận kéo dài hơn 90 phút do đài ABC tổ chức vào tối 10-9 theo giờ Mỹ, thu hút 60,3 triệu người dân Mỹ xem, với những diễn biến khá thú vị. Đây là cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và có thể là duy nhất giữa 2 ứng viên trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.

Theo thống kê của New York Times, thời gian phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris là 37 phút 41 giây, ít hơn so với 43 phút 03 giây của Cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên thời gian công kích đối thủ của bà Harris là 17 phút 25 giây, trong khi của ông Trump chỉ là 12 phút 54 giây. Những con số này có sự khác biệt đáng kể so với cuộc tranh luận do CNN tổ chức hồi tháng 6 giữa ông Biden và ông Trump. Khi đó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden ít hơn đối thủ cả về thời gian phát biểu cũng như công kích đối thủ. Đây được xem là cách xử lý khôn khéo của bà Harris khiến ông Trump rơi vào bẫy khích tướng nên nảy sinh cái tôi - vốn là điểm yếu chí mạng của ứng cử viên này.

Trong cuộc tranh luận, ông Donald Trump đã dùng chiêu cũ của chính bà Harris khi đối thủ định ngắt lời bằng câu: “Đợi một chút, tôi đang nói. Làm ơn, nếu bà không phiền. Điều đó có nghe quen không?”, tuy nhiên không thành công vì bà Harris luôn tỏ ra bình tĩnh. Trong khi đó, Phó Tổng thống liên tục “bẫy” đối thủ đảng Cộng hòa bằng mỉa mai và khiêu khích khiến cựu Tổng thống lạc đề sang các vấn đề không phải là trọng tâm.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cuộc tranh luận và gần như mỗi câu trả lời của bà đều đi kèm với một bình luận nhằm chọc giận cựu Tổng thống Trump. Bà cho rằng ông Trump đã “bị 81 triệu cử tri sa thải” - số người đã bỏ phiếu cho Tổng thống Joe Biden vào năm 2020 để ngầm chỉ đối thủ đã bất lực lẫn bất tài từ nhiệm kỳ trước. Ngoài ra, trong cuộc tranh luận bà Harris còn nhiều lần mỉa mai khiến đối thủ Trump nóng giận nên thường mất kiểm soát, đôi lúc nói lớn tiếng và liên tục đưa ra những tuyên bố không đúng sự thật.

Sau cuộc tranh luận, giới quan sát nhận định, sở dĩ bà Harris thắng thế vì đã khai thác khá hiệu quả các chiêu trò nhắm vào “cái tôi” của đối thủ, dùng độc trị độc bằng chiêu “khích tướng”, kiềm chế và điềm tĩnh, chủ động trong tranh luận…

Kết quả thăm dò nhanh của CNN cho thấy phần lớn cử tri đều nhận định bà Harris đã có màn tranh luận tốt hơn ông Trump. Theo đó, có 63% cử tri cho rằng bà Harris đã chiến thắng trong cuộc tranh luận trên đài ABC News, trong khi chỉ có 37% đánh giá cao màn thể hiện của ông Trump.

Dù tỷ lệ sai số của cuộc thăm dò kể trên là khoảng 5,3%, nhưng giới quan sát cho rằng đây là một kết quả tích cực với bà Harris. Các cuộc khảo sát trước cuộc tranh luận chỉ ra cơ hội chiến thắng của hai ứng viên là 50/50 và bà Harris dường như đã thành công trong việc thuyết phục nhóm cử tri còn dao động.

Sau khi cuộc tranh luận kết thúc, với phần thắng nghiêng về bà Harris, cựu Tổng thống Donald Trump đã lên án đài ABC News vì để bà Kamala Harris nói bất cứ điều gì mà bà muốn. Ông Trump chỉ trích cuộc tranh luận là “hoàn toàn gian lận” và gọi ABC là “tổ chức tin tức không trung thực nhất”. Đây cũng là phản ứng thường thấy bộc lộ cái tôi của chính trị gia này. Điều này càng khiến uy tín của ông bị giảm sút.

Theo kế hoạch, đến tháng 10 sẽ có cuộc tranh luận lần 2 giữa bà Harris và ông Trump. Tuy nhiên, sự kiện trên còn lệ thuộc vào ông Trump có muốn tham gia hay không.

Giới quan sát nhận định, sự thất bại của ông Trump trước bà Harris trong cuộc tranh luận vừa diễn ra là thực tế “vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn” cho ứng cử viên đầy kiêu ngạo Donald Trump.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>