Trung Quốc rối vì thiếu thịt heo

07/10/2019 | 18:09 GMT+7

Không quốc gia nào có thể bù đắp thiếu hụt về thịt heo cho Trung Quốc, trừ khi cả thế giới ngừng tiêu thụ thịt heo và xuất khẩu toàn bộ heo tới Trung Quốc.

Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu thịt heo.  Ảnh: EPA

Cây viết Cary Huang nhận định trong bài phân tích đăng trên SCMP, không có loại hàng hóa nào có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị và ngoại giao đối với Bắc Kinh như thịt heo và dầu. Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là nguồn tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới và là bên nhập khẩu dầu hàng đầu.

Đó là lý do vì sao trong khi các nước khác dự trữ xăng và cây trồng thì Trung Quốc lại tính trữ thịt heo. Người Trung Quốc sản xuất và tiêu thụ hơn một nửa sản lượng thịt heo toàn cầu. Chính quyền Trung Quốc từ trung ương tới địa phương đều duy trì dự trữ chiến lược đối với mặt hàng này kể từ những năm 1970.

Dịch tả heo châu Phi đã lan ra toàn bộ 31 tỉnh, thành và khu vực ở Trung Quốc đại lục và tới nay đã giảm số lượng heo gần 60%, với khoảng 200 triệu con chết vì bệnh hoặc bị tiêu hủy. Kể từ dịch tả heo châu Phi bùng phát tại Trung Quốc đến nay, thịt heo đã trở thành tâm điểm trong các chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Bắc Kinh. Các khái niệm “chính trị thịt heo”, “kinh tế thịt heo” và “ngoại giao thịt heo” lần lượt ra đời.

Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa, tình hình nguồn cung thịt sẽ còn cực kỳ thiếu thốn đến nửa đầu năm 2020. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 10 triệu tấn thịt heo trong năm nay - nhiều hơn quá nhiều so với khả năng đáp ứng thông qua nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc cần phải tăng năng lực sản xuất trong nước lên. Trong chuyến thăm tới các tỉnh chăn nuôi lớn gồm Sơn Đông, Hà Bắc và Hà Nam, ông Hồ Xuân Hoa đã thúc giục chính quyền địa phương cho phục hồi các đàn heo càng sớm càng tốt.

Tại tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc, giá thịt heo tăng cao đã kích thích nông dân nuôi những con heo đạt tới trọng lượng từ 175kg đến 200kg, cao hơn đáng kể so với mức trọng lượng thông thường là 125kg. Ông Lin Guofa, một nhà phân tích cao cấp của Công ty tư vấn Bric Agriculture Group khẳng định các trang trại lớn đang tập trung vào việc nâng trọng lượng heo thêm ít nhất 14%. “Trọng lượng trung bình của heo khi giết mổ tại một số trang trại quy mô lớn đã tăng lên tới 140kg, so với con số bình thường là khoảng 110kg. Điều đó có thể giúp lợi nhuận tăng thêm hơn 30%”, ông Lin nói.

Ngoài ra, người tiêu dùng nước này bắt đầu quan tâm tới “thịt giả” có nguồn gốc thực vật. Thịt giả được làm từ đậu phụ hay lúa mì, các loại thực phẩm quen thuộc với người Trung Quốc.

Thịt heo là mặt hàng tiêu dùng lớn nhất trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Ngày 17-9, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết giá thịt heo tăng 47% trong tháng 8 đẩy CPI nước này lên 2,8% tính đến cuối tháng 8, mức cao nhất trong vòng 20 tháng qua.

Hơn nữa, giá thịt heo tăng kéo theo giá nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Vài tháng qua, giá thịt gà, bò và cừu ở Trung Quốc cũng tăng vọt vì người tiêu dùng đổ xô mua các loại thịt khác để thay thế cho thịt heo. Chi phí sinh hoạt tăng làm suy giảm sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc. Thực trạng này làm suy yếu những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc tái cơ cấu nền kinh tế bị phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu thành nền kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa.

Lạm phát hiện vẫn ở dưới 3%, trong phạm vi mục tiêu của chính quyền Trung Quốc, nhưng có nguy cơ tăng cao trong những tháng tới. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo rằng giá thịt heo có thể tăng lên 70% vào cuối năm nay. Năm 2019 lại là năm kinh tế Trung Quốc biến động dữ dội và thịt heo đã và đang góp phần vào những biến động đó.

NGUYỄN TẤN Tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>