Vì sao làn sóng Covid-19 tăng nhanh ở châu Phi ?

06/08/2020 | 17:33 GMT+7

Dịch Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt tại một số điểm nóng của châu Á nhưng lại đang tăng tốc tại châu Phi.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi, ngày 10-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho thấy, trung bình mỗi ngày số cas nhiễm Covid-19 ở châu lục này tăng hơn 10.000 người. Hiện châu Phi đã có hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19 và số cas tử vong đã vượt mốc 20.000 người. Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất châu Phi với 511.485 cas nhiễm, tiếp theo là Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria, Maroc…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể sẽ khiến Nam Phi “suy kiệt khả năng ứng phó” trong bối cảnh số cas nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này đã vượt quá nửa triệu người.

Tuy nhiên, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa mới đây tuyên bố rằng tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại nước này nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Theo báo cáo của ngành chức năng Nam Phi, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại nước này chỉ khoảng 1,6%. Trong khi đó, số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Afica) cho thấy tỷ lệ tử vong trên toàn châu lục hiện ở mức 2,1%. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 tại Nam Phi nói riêng và châu Phi chung là không đáng tin cậy vì có sự chênh lệch khá lớn giữa số cas tử vong do Covid-19 được công bố và số người chết tăng đột biến trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, theo số liệu từ Hội đồng nghiên cứu Y khoa Nam Phi, chỉ trong 3 tháng 5, 6 và 7, nước này đã chứng kiến số lượng cas tử vong tăng đột biến lên tới gần 18.000 cas. Trong khi đó, Nigeria và Ethiopia, hai quốc gia có số dân đông nhất châu Phi, cũng ghi nhận số cas tử vong đột biến tại nhiều vùng nông thôn hẻo lánh, nơi không có điều kiện để xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 trên diện rộng. Tính theo khu vực, Nam châu Phi và khối Magheb là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện 34/55 quốc gia đã và đang áp dụng đóng cửa biên giới hoàn toàn để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút.

Sở dĩ dịch Covid-19 lây lan nhanh và có tỷ lệ tử vong cao ở châu Phi là vì đa số các nước thuộc châu lục này đều nghèo, cơ sở vật chất y tế kém phát triển, nhất là các trang thiết bị phòng dịch hạn chế. Điển hình như tại khu vực Bắc Phi bình quân chỉ có 2,2 bác sĩ/10 nghìn dân. Trong khi châu Âu con số này là 35 bác sĩ/10 nghìn dân. Chi phí cho y tế tính theo đầu người ở những nước khá giả của châu Phi như Mozambique, Cameroun cũng không vượt quá 25 USD. Mặt khác, công tác chủ động phòng dịch nhiều quốc gia châu Phi chậm hơn một số quốc gia châu Á và châu Âu. Đáng quan ngại là nhận thức của người dân châu Phi về dịch bệnh chưa cao, các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… chậm thực hiện. Từ đó đã làm cho dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lo ngại hàng triệu người dân châu Phi sẽ rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Theo ông Antonio Guterres, châu Phi mới chỉ ở bước đầu của đại dịch và tình hình có thể nhanh chóng thay đổi. ông Antonio Guterres nhận định, cần phải giải quyết được dịch ở châu Phi thì mới có thể chấm dứt được dịch trên toàn cầu. Công việc này sẽ cần thêm hơn 200 tỉ USD từ cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường hệ thống y tế tại châu Phi, duy trì dây chuyền cung ứng thực thẩm, tránh một cuộc khủng hoảng tài chính và hỗ trợ giáo dục, bảo vệ việc làm, trợ giúp các gia đình và doanh nghiệp, giúp châu lục này tránh mất thu nhập từ xuất khẩu.

Trong một động thái liên quan, mới đây Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết nước này đã đạt được những thành công nhất định trong công tác ứng phó với dịch Covid-19, sau khi áp dụng nhiều biện pháp ứng phó đồng bộ và mạnh mẽ. Đáng lưu ý là việc áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đã hạn chế được số cas lây nhiễm Covid-19.

Hiện quốc gia 59 triệu dân này chiếm tới hơn 50% số cas mắc Covid-19 tại châu Phi, tuy nhiên, Nam Phi là một trong những nước có số người khỏi bệnh cao nhất thế giới, chiếm hơn 60% tổng số cas mắc Covid-19 tại quốc gia này.

Từ thực tiễn phòng dịch Covid-19 có hiệu quả ở nhiều quốc gia, các nước châu Phi cần tăng cường giãn cách xã hội, vận dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc… Đây sẽ là yếu tố cơ bản giúp châu lục đen này ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>