Vì sao nhiều nước muốn cải tổ Liên Hiệp Quốc ?

26/05/2023 | 07:11 GMT+7

Quá nhiều bất đồng về quan điểm đã khiến nhiều quốc gia thành viên đòi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: THX

Mới đây, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố đã đến lúc phải cải tổ cả Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) để phù hợp với “thực tế của thế giới ngày nay”.

Ông Guterres nhấn mạnh: “Trước những cú sốc kinh tế từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, hệ thống đã không thực hiện được chức năng cốt lõi của mình là một mạng lưới an toàn toàn cầu”.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã kêu gọi cải cách HĐBA LHQ, mở rộng thêm các thành viên thường trực mới để gia tăng tính đại diện cho cộng đồng quốc tế. Người đứng đầu nước Pháp nêu rõ: “Tôi mong muốn cải cách HĐBA để mang tính đại diện hơn, cơ quan này cần chào đón thêm các thành viên thường trực mới để có thể phát huy hết vai trò của mình, cũng như hạn chế việc lạm dụng quyền phủ quyết”.

Một số quốc gia khác trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Đức cũng ủng hộ cải cách HĐBA LHQ. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch thúc giục cải tổ HĐBA LHQ để đảm bảo tính hiệu quả.

Đồng quan điểm trên, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng lên tiếng kêu gọi cải tổ HĐBA LHQ, đồng thời thúc giục thế giới tái khẳng định tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ông Kishida cũng thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tận dụng Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về Tương lai dự kiến diễn ra năm 2024, để khởi động các cuộc thảo luận toàn diện về cải tổ LHQ.

Hiện tại, HĐBA LHQ gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực (nhóm P5) và 10 nước ủy viên không thường trực (nhóm E10) do Đại hội đồng LHQ bầu ra với nhiệm kỳ hai năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ và mục đích của LHQ. Tuy nhiên, 5 ủy viên thường trực gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc giữ quyền phủ quyết, cho phép họ ngăn chặn việc thông qua bất kỳ nghị quyết nào của. Chính yếu tố này mà thời gian gần đây rất nhiều nghị quyết của HĐBA LHQ về xung đột giữa Nga và Ukraine, trừng phạt Trung Quốc, Triều Tiên hay các nghị quyết liên quan đến Syrya, Iraq… không được thông qua.

Điều này được ghi nhận trong báo cáo năm 2022 của HĐBA LHQ khi có đến 276 cuộc họp công khai được triệu tập (nhiều hơn 246 cuộc họp năm 2021) nhưng chỉ thông qua 7 tuyên bố của chủ tịch HĐBA LHQ. Con số này ít hơn rất nhiều so với 24 tuyên bố chủ tịch được thông qua năm 2021.

Các chỉ số trên còn cho thấy vai trò gắn kết giữa nhóm P5 với các quốc gia đang phát triển bên ngoài HĐBA LHQ được giao cho 10 thành viên được bầu cử luân phiên với nhiệm kỳ hai năm (nhóm E10) cũng đang ngày càng kém hiệu quả.

Do vậy, nhiều quốc gia đã có ý kiến cho rằng, cần mở rộng HĐBA LHQ nhằm tăng cường tính đại diện công bằng giữa các khu vực, nhất là nhóm châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc mở rộng thành viên ra sao, quốc gia nào sẽ được lựa chọn vẫn là vấn đề còn tranh cãi.

Có hai nội dung cải tổ triển vọng, một là mở rộng các thành viên HĐBA LHQ từ 15 lên 25 thành viên. Thứ hai là việc ưu tiên cho thành viên đại diện thường trực từ châu Phi. Ý tưởng này nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong nhóm P5 cũng như từ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>