WFP cảnh báo nạn đói đang rình rập

02/02/2024 | 08:01 GMT+7

Giao tranh ở Dải Gaza ngày càng khốc liệt đã khiến hàng triệu người lâm vào tình trạng thiếu đói và đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. 

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Rafah, Dải Gaza, ngày 19-11-2023.  Ảnh: THX/TTXVN

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) mới đây cảnh báo, cuộc sống của đại bộ phận người dân tại Dải Gaza đang lún sâu vào thảm họa thiếu đói và tình trạng này đang gia tăng từng ngày. Theo kết quả nghiên cứu từ ngày 24-11 đến 7-12-2023, toàn bộ 2,2 triệu người sống tại vùng lãnh thổ này đang rơi vào khủng hoảng, mất an ninh lương thực trầm trọng hoặc tồi tệ hơn.

Bà Abeer Etefa, người phát ngôn khu vực Trung Đông của WFP, cho biết tình hình tại Gaza ngày càng “thảm khốc” với nguy cơ nạn đói “đang rình rập” trong bối cảnh xung đột giữa phong trào Hamas và lực lượng Israel ngày càng ác liệt đã hạn chế hoạt động viện trợ thực phẩm cho những người đang có nhu cầu.

Còn Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) phụ trách Cơ quan điều phối cứu trợ khẩn cấp ông Martin Griffiths nhận định, khổ đau và mất mát đang trầm trọng hơn mỗi ngày ở Dải Gaza, trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra ác liệt xung quanh các bệnh viện ở Khan Younis, đe dọa tính mạng và sức khỏe của hàng ngàn người. Ông Griffiths dẫn số liệu từ cơ quan y tế tại Gaza cho thấy chiến sự đã khiến hơn 26.000 người thiệt mạng, hơn 65.000 người khác bị thương, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, khoảng 60% số nhà ở tại khu vực này đã bị phá hủy hoặc hư hại, trong khi 75% dân số Gaza phải sơ tán. Phó Tổng Thư ký LHQ cũng nêu rõ Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) cần phải tiếp tục hoạt động để cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho khoảng 3/4 cư dân ở Gaza.

Ông Griffiths một lần nữa kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong đó có trách nhiệm bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, cũng như trả tự do ngay lập tức cho tất cả con tin. Phó Tổng Thư ký LHQ hối thúc HĐBA làm tất cả những gì có thể trong quyền hạn của mình để chấm dứt thảm kịch hiện nay ở Dải Gaza.

Hoạt động viện trợ cho Gaza bị hạn chế kể từ khi xung đột giữa Hamas - Israel nổ ra vào tháng 10-2023. Theo WFP, từ đầu năm đến nay, hơn 730 xe tải chở hơn 13.000 tấn thực phẩm đã đi vào Gaza. Bà Etefa cho biết, chính quyền Israel đã từ chối khoảng 70% đề nghị viện trợ thực phẩm cho miền Bắc Gaza nên thiếu thốn càng trở nên trầm trọng hơn.

WFP cho biết chính quyền Israel từ chối đề nghị của cơ quan này được tiếp cận miền Bắc Gaza để phân phát hàng viện trợ và điều này gây cản trở không nhỏ đến hoạt động nhân đạo tại đây. Trước đó, Israel phủ nhận việc ngăn cản hàng viện trợ cho Gaza.

Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã kêu gọi tài trợ 1,5 tỉ USD để đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của hàng triệu người đang là nạn nhân của các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên khắp thế giới, trong đó có Dải Gaza. WHO cảnh báo gần 300 triệu người trên toàn cầu dự kiến cần được hỗ trợ nhân đạo ở năm 2024. Trong số đó, ước tính 166 triệu người sẽ cần hỗ trợ y tế nhân đạo.

Đáng chú ý, tình trạng y tế khẩn cấp đòi hỏi nguồn tài trợ nhiều nhất xảy ra tại các vùng lãnh thổ của Palestine, đặc biệt tại Gaza, nơi xung đột giữa Hamas và Israel bùng phát từ tháng 10-2023 và đang leo thang.

Trong khi nạn đói đang hoành hành khắp Dải Gaza thì giao tranh giữa Israel và Hamas vẫn chưa có dấu  hiệu hạ nhiệt. Điều này đồng nghĩa với việc khủng hoảng nhân đạo tại đây sẽ còn kéo dài. Chính những yếu tố trên khiến tiên đoán của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres về mối đe dọa sắp xảy ra đối với hòa bình và an ninh quốc tế do cuộc xung đột ở Gaza có nguy cơ trở thành hiện thực.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>