WHO cảnh báo dịch Covid-19 tiếp tục lây lan

15/07/2020 | 05:28 GMT+7

Nhiều quốc gia đã ứng phó dịch Covid-19 chưa đúng cách từ đó dẫn đến dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan.

Một người đàn ông đeo khẩu trang sai cách trong một nhà hàng đông đúc ở Jaffa, Israel, ngày 29-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng có quá nhiều nước đang hành động tùy tiện trong đối phó với đại dịch Covid-19. Đáng quan ngại là nhiều quốc gia mở  sớm, bằng các động thái bình thường hóa hoạt động kinh tế, xã hội trong khi dịch bệnh vẫn còn hoành hành. Điều này đồng nghĩa với khả năng thời gian dập dịch sẽ còn kéo dài và thế giới sẽ không thể sớm quay trở lại trạng thái bình thường.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của WHO, đến nay dịch bệnh xuất hiện và lây lan ở 233 quốc gia và vùng lãnh thổ, với ghi nhận hơn 13,3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 574.754 người tử vong. Hiện có hơn 80 quốc gia/vùng lãnh thổ có các cas tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số cas nhiễm mới trong ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Trong những ngày qua, các nước ghi nhận số cas dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 và số người chết do dịch bệnh này nhiều nhất thế giới gồm Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng do một số nước nới lỏng lệnh phong tỏa nên hiện đang phải chứng kiến sự bùng phát trở lại của vi-rút SARS-CoV-2. WHO cảnh báo, đại dịch sẽ diễn biến tồi tệ hơn nếu như người dân không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang và ở nhà nếu bị ốm.

Theo ông, vi-rút SARS-CoV-2 vẫn là kẻ thù chung số 1, nhưng “hành động của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều đó”. Bởi lẽ, chính phủ các nước không thực thi một chiến lược toàn diện nhằm ngăn chặn vi-rút lây lan và người dân không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản thì chỉ có một khả năng là dịch bệnh sẽ diễn biến ngày càng tồi tệ hơn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các quốc gia đều có cách thức ứng phó khác nhau. Tại Mỹ, bất chấp tình hình dịch Covid-19 gia tăng từng ngày, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn hối thúc các trường mở lại vào mùa Thu tới. Giải pháp của ông Trump nặng về kinh tế và bình thường hóa các hoạt động xã hội quá sớm khi dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục hoành hành quốc gia này. Trong khi đó, nhiều bang ở Mỹ phải tạm hoãn các kế hoạch mở cửa trường học trở lại, thậm chí một số bang còn ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và tiếp tục vận dụng các giải pháp giãn cách xã hội.

Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom mới đây cho biết bang California sẽ đóng cửa mọi hoạt động trong nhà tại các nhà hàng, nhà máy sản xuất rượu vang, rạp chiếu phim, sở thú và phòng chơi game. Trong khi đó, các quán bar buộc phải đóng cửa tất cả mọi hoạt động.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cũng khẳng định nếu 90% người dân Mỹ không đeo khẩu trang nơi công cộng ở những điểm nóng của dịch Covid-19, nước này sẽ không thể kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi đó, hầu hết các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU) đều tuyên bố mở cửa trở lại nhưng rất thận trọng. Lãnh đạo Đức và Italia đã thúc giục các nước châu Âu có phản ứng nhanh chóng và thuyết phục nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra với những hậu quả kinh tế và xã hội to lớn. Theo kế hoạch, 27 nước thành viên EU sẽ nhóm họp tại Brussels từ ngày 17 đến 18-7 tới để thảo luận về quỹ phục hồi trị giá 750 tỉ euro (tương đương 849,45 tỉ USD) và ngân sách EU trong giai đoạn 7 năm tới (từ năm 2021-2027) trị giá 1.074 nghìn tỉ euro.

Riêng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong những ngày gần đây, khối này chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các cas tử vong vì vi-rút SARS-CoV-2 nên nhiều nước đã mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở các nước ASEAN vẫn diễn biến phức tạp bởi những quốc gia lân cận như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc đều tái xuất hiện dịch bệnh. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ lây lan nếu các nước buông lơi kiểm soát.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>