WHO nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh đậu mùa khỉ

30/08/2024 | 08:51 GMT+7

Những ngày gần đây, dịch bệnh đậu mùa khỉ có xu hướng lây lan ở nhiều quốc gia khiến WHO đã khởi động chiến dịch ứng phó toàn cầu.

Nhân viên y tế lấy mẫu máu xét nghiệm cho em bé tiếp xúc với bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại Zomea Kaka, CH Trung Phi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên “Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược” nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ (mpox) lây từ người sang người.

Kế hoạch dự kiến được thực hiện từ tháng 9-2024 đến tháng 2-2025, đòi hỏi kinh phí 135 triệu USD. Bằng cách phối hợp các nỗ lực toàn cầu, khu vực và quốc gia, kế hoạch nhằm tăng cường giám sát và phản ứng chiến lược, đảm bảo mọi người dân trên thế giới được tiếp cận công bằng với chẩn đoán và tiêm vắc-xin phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.

Cụ thể, kế hoạch tiêm chủng nhắm đến những người có nguy cơ cao nhất, như những người tiếp xúc gần với ca bệnh và nhân viên y tế, qua đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Kế hoạch này cũng sẽ tập trung vào việc cung cấp định hướng chiến lược và hướng dẫn, cũng như đảm bảo các nhóm người dễ bị tổn thương trong các khu vực bị ảnh hưởng được tiếp cận điều trị y tế.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định các đợt bùng phát mpox ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước lân cận có thể kiểm soát được và có thể ngăn chặn được.

Hưởng ứng chiến dịch trên, nhiều quốc gia đã có những động thái tích cực. Chính phủ Đức cho biết nước này sẽ cung cấp cho WHO các nguồn tài chính linh hoạt, thông qua nhiều công cụ khác nhau để đối phó với bệnh đậu mùa khỉ. Giới chức nước này cũng sẽ hỗ trợ các đối tác của mình tại châu Phi, thông qua Liên minh toàn cầu về Vắc-xin. Cụ thể, Đức sẽ hỗ trợ khoảng 120.000 liều vắc-xin Jynneos, đang được quân đội dự trữ sau khi chính phủ nước này mua vào năm 2022 cho chiến dịch toàn cầu của WHO.

Ngày 17-8, Cơ quan y tế Liên minh châu Phi (AU) cho biết tổng cộng châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 18.737 ca nghi mắc hoặc đã được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ kể từ đầu năm, trong đó có 1.200 ca được báo cáo chỉ trong một tuần.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, kể từ tháng 1-2022 đến ngày 4-8-2024, châu lục này có 38.465 ca mắc Mpox và có 1.456 ca tử vong. Các quốc gia bị ảnh hưởng bao gồm CHDC Congo, Burundi, Cameroon, Ghana, Liberia, Nigeria, Rwanda, Nam Phi, Uganda và Kenya.

Tháng 7-2022, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11-2022 và tháng 2-2023. Tháng 5-2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. PHEIC là mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra, cho phép kích hoạt các phản ứng khẩn cấp ở các quốc gia trên toàn thế giới theo Quy định Y tế quốc tế có ràng buộc về mặt pháp lý.

Mới đây, WHO lại một lần nữa ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe công đồng do dịch bệnh đậu mùa khỉ gây ra. Việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe chẳng những gióng lên hồi chuông cảnh báo các quốc gia châu Phi mà tình trạng này còn lan rộng ra toàn cầu. Bởi lẽ, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ra nhiều quốc gia khác nhau tùy mức độ nặng nhẹ. Đây là vấn đề cần được cộng đồng quốc tế quan tâm để có giải pháp ngăn ngừa kịp thời.  

CHDC Congo chính là nơi đầu tiên phát hiện loại vi-rút bệnh đậu mùa khỉ ở người vào năm 1970. Bệnh này đã lan rộng khắp CHDC Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác. Sau thời gian vắng bóng đến đầu năm 2022 bệnh đậu mùa khỉ lại tái phát và lây lan nhanh ra nhiều nước châu Phi, với 38.465 ca mắc và 1.456 ca tử vong. Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ đang có xu hướng lây lan nhanh ra nhiều châu lục khác.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>