Xung đột ở Sudan lại tiếp diễn

16/05/2019 | 06:03 GMT+7

Mặc dù đã nhất trí về một cơ cấu quyền lực trong quá trình chuyển giao chính trị giữa các bên liên quan tại Sudan, nhưng xung đột vẫn tiếp tục diễn ra làm nhiều người thương vong.

Người biểu tình tập trung tại trụ sở quân đội ở thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 25-4-2019. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể chỉ trong vòng 2 ngày 13 và 14-5, xung đột đã nổ ra giữa quân đội và người biểu tình tại thủ đô Khartoum đã làm 6 người chết và hơn 100 người khác bị thương. Liên minh đối lập, với tên gọi Lực lượng Tự do và Thay đổi (DFCF) tại Sudan khẳng định lực lượng bán quân sự đã sử dụng đạn thật và quân đội nước này phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra.

Cùng quan điểm trên, Đại sứ quán Mỹ tại Sudan cũng đã quy trách nhiệm cho Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) của Sudan gây ra thương vong cho những dân thường vô tội trên. Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Facebook, Đại sứ quán Mỹ tại Sudan viết: “Các cuộc tấn công vào người biểu tình, rõ ràng là do hậu quả TMC cố áp đặt ý chí của mình lên người biểu tình bằng cách cố dỡ bỏ những hàng rào mà người biểu tình dựng lên. Đại sứ quán Mỹ tại Sudan cho rằng quyết định cho lực lượng an ninh tăng cường sử dụng vũ lực, trong đó có sử dụng hơi cay một cách không cần thiết, đã trực tiếp dẫn tới tình trạng bạo lực không thể chấp nhận vào chiều cùng ngày nằm ngoài tầm kiểm soát của TMC”.

Đại sứ quán Mỹ kêu gọi hai bên không để xảy ra thêm vụ việc trên vì sẽ cản trở những tiến bộ đã đạt được nhằm nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán về thiết lập một chính quyền chuyển giao dân sự.

Xung đột đẫm máu diễn ra chỉ sau vài giờ TMC và DFCF đã nhất trí về một cơ cấu quyền lực trong quá trình chuyển giao chính trị ở quốc gia này. Theo đó, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) của Sudan và phe biểu tình đã nhất trí về một giai đoạn chuyển tiếp trong 3 năm nhằm chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự hoàn thiện. Trong giai đoạn này, 6 tháng đầu sẽ được dùng để ký kết các hiệp ước hòa bình với phiến quân tại các vùng chiến sự của Sudan. Đáng lưu ý là trong giai đoạn chuyển tiếp, Quốc hội Sudan sẽ bao gồm 300 thành viên, với 67% trong số này sẽ đến từ DFCF, số còn lại sẽ thuộc về các nhóm chính trị khác.

Trước đó, ngày 11-4, quân đội Sudan đã phế truất Tổng thống Omar al-Bashir với cáo buộc các tội danh rửa tiền và tài trợ cho khủng bố sau khi làn sóng biểu tình phản đối chính phủ nổ ra. Tiếp đó, quân đội đã thành lập TMC điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Tiến trình này dự kiến kéo dài tối đa 2 năm. Tuy nhiên, người biểu tình tại Sudan liên tục biểu tình phản đối TMC và gây sức ép yêu cầu tiến hành chuyển giao ngay quyền lực cho chính quyền dân sự.

Trong một động thái liên quan, trước đó Liên minh châu Phi (AU) đã cử một nhóm chuyên gia tới Sudan để hỗ trợ đàm phán giữa các bên liên quan tại quốc gia này nhằm tạo điều kiện cho việc đạt được thỏa thuận hướng tới thành lập chính quyền chuyển tiếp dựa trên đồng thuận và do lực lượng dân sự dẫn dắt. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Giới phân tích cho rằng, giải pháp khả thi để đẩy nhanh tiến trình chuyển giao quyền lực từ quân sự sang dân sự hiện nay ở Sudan là các bên liên quan cần có thiện chí và kiềm chế tránh xảy ra xung đột dưới sự giám sát chặt chẽ của các quốc gia liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>