Cơ hội nào cho du lịch miệt vườn ?

27/03/2020 | 07:45 GMT+7

Khó khăn trước mắt là dịch bệnh, khó khăn lâu dài còn nhiều, nhưng tại cuộc họp mới đây của tỉnh bàn về chủ đề du lịch, đã vạch ra những cơ hội, nhấn mạnh đến động thái phù hợp để phát triển, vực dậy du lịch tỉnh nhà.

 Cơ sở hạ tầng được đầu tư, cũng là cách níu chân du khách đến với Hậu Giang. Ảnh: TRUNG QUÂN

Đi bước nhỏ, nhưng vững

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang vừa qua, ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Đề án này là một cách hiện thực hóa Nghị quyết về du lịch của Tỉnh ủy. Tới đây, cần có sự suy nghĩ thấu đáo từ thực tiễn, tiếp tục có kế hoạch chi tiết, quảng bá, xúc tiến nhiều hơn, chú trọng kêu gọi, thu hút nhà đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỉnh còn nhiều khó khăn thì làm từng bước, nhưng phải vững chắc, có điểm nhấn. Đơn vị tham mưu phải tích cực làm đến nơi đến chốn; Thường trực UBND tỉnh có kế hoạch, chỉ đạo sát thực tế, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, mỗi địa phương cần phải tập trung xây dựng một sản phẩm du lịch đặc thù, những tua, tuyến chủ đạo…”.

Qua một năm thực hiện đề án, đã nâng tầm nhận thức của các ngành, các cấp và Nhân dân. Bước đầu đã định hình những sản phẩm du lịch đặc thù, bám sát tiềm năng là du lịch nông nghiệp, sinh thái miệt vườn, chợ nổi, tâm linh… Sự vào cuộc của các ngành, các cấp đã cùng hình thành nên những sản phẩm đặc trưng của Hậu Giang: Công nhận 2 làng nghề đan đát và làng vườn trầu tại huyện Vị Thủy; phát triển và xây dựng thương thiệu cho 12 nông sản chủ lực.

Cuối năm 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26 Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2024, đây là một thuận lợi mới, tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư lĩnh vực du lịch. UBND tỉnh đang tích cực hoàn chỉnh kế hoạch thực hiện Nghị quyết này để tiến hành triển khai trong thời gian sớm nhất.

Động thái tích cực

Từ đổi mới cách nhìn mới về du lịch, nên một số địa phương đã có nhiều động thái tích cực. Thành phố Ngã Bảy đầu tư 35 tỉ đồng xây dựng công trình bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn và đang tiếp tục đầu tư các công trình, dự án, liên kết với nhà vườn, các làng nghề truyền thống… khai thác và phát huy sản phẩm du lịch này. Nhà đầu tư Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang đang khẩn trương hoàn thành, sẽ đưa vào khai thác sản phẩm du lịch này trong năm nay.

Thành phố Vị Thanh đã chủ động tìm kiếm nhà tư vấn, xây dựng “Đề án Phát triển du lịch thành phố Vị Thanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Điểm nhấn là phát triển kênh xáng Xà No thành tuyến du lịch kết nối với 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi đầu tư và khai thác các địa điểm du lịch lịch sử, sinh thái, đầu tư nâng cấp tuyến đường vào khu du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc; xây dựng trung tâm thương mại, chợ đêm dành cho khách du lịch…”.

Mới đây, huyện Châu Thành A tích cực nghiên cứu khai thác loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp trên tuyến Quốc lộ 61C gắn với trái cây đặc sản và kêu gọi đầu tư những điểm dừng chân trên tuyến này; đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch đường sông trên kênh xáng Xà No, hỗ trợ nông dân làm du lịch cộng đồng như: Trại dê sữa, vườn dâu…

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Vòng Tròn Việt, người từng có nhiều chuyến khảo sát du lịch Hậu Giang, nhận định: “Hậu Giang vẫn có những sản phẩm riêng biệt không nơi nào có, là kênh xáng Xà No và Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Tôi rất hứng khởi với hai điểm này và sẵn lòng hỗ trợ, hợp tác để có được một sản phẩm du lịch độc đáo giới thiệu với du khách”.

Cơ hội nào trong khó khăn ?

Thời điểm này, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, ai ở chỗ đó, thì nói đến cơ hội nghe không suôn, nhưng nhiều ý kiến đều cho rằng, dịch bệnh rồi sẽ qua, những kế hoạch, chiến lược, sách lược phát triển, trong đó có du lịch vẫn phải làm và làm liên tục.

Theo nhận định của những người làm du lịch, khách du lịch sẽ tăng đột biến khi nước ta kiểm soát được dịch bệnh và xu hướng người Việt Nam khi đó sẽ chọn du lịch trong nước. ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng đang được xem là điểm đến an toàn và tích cực phát triển du lịch theo hướng này.

Hậu Giang đang quyết liệt vào cuộc để phát huy cơ hội vàng. Việc tỉnh chỉ đạo mỗi địa phương xây dựng một sản phẩm du lịch, cùng với sự chủ động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh; tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia, công ty xây dựng sản phẩm du lịch để định hình cách làm du lịch dựa vào thực tế của địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu yêu cầu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có nghiên cứu sâu để có hướng đề xuất xây dựng sản phẩm, tua tuyến du lịch thích hợp. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần xác định và ưu tiên cho các hạng mục, công trình đầu tư về du lịch. Các địa phương cần tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương mình, trong đó, thành phố Vị Thanh và Ngã Bảy chú ý để có sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo điểm nhấn cho du lịch Hậu Giang.

Khách quốc tế đến Hậu Giang giảm 20%

 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đón 93.662 lượt khách tham quan du lịch, giảm 29%, trong đó, khách quốc tế là 5.329 lượt (giảm 20%), khách nội địa 88.333 lượt (giảm 30%). Tổng thu ước đạt 40 tỉ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên nhân sụt giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>