Cùng nông dân làm du lịch

02/12/2019 | 09:15 GMT+7

Với quyết tâm tạo nên sự đột phá trong cách làm du lịch, tạo ra sản phẩm khác biệt, Hậu Giang đang đồng hành cùng nông dân làm du lịch, với những tìm tòi mới hơn, cố gắng tạo sự đột phá.

Kênh xáng Xà No, khóm Cầu Đúc, vườn dâu… sẽ là sản phẩm du lịch thu hút nếu được khai thác đúng hướng.

Tìm tòi hướng mới

Trong những năm gần đây, du lịch Hậu Giang có sự chuyển mình, đó là sự đầu tư của các doanh nghiệp làm du lịch sinh thái; từng bước xây dựng sản phẩm du lịch dựa vào sản vật địa phương và xây dựng tua, tuyến du lịch tạo điểm nhấn. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Chúng tôi luôn cầu thị, học hỏi những đơn vị làm du lịch tốt để rút ra cho mình một cách làm mới, vượt lên những khó khăn, sự nhàn nhạt của sản phẩm du lịch na ná nhau”.

Từ sự cầu thị này, các đoàn công tác của tỉnh là những người làm công tác quản lý du lịch và nông dân, đã đi đến các nơi như Đồng Tháp, Bến Tre… để xem nơi đó có cách làm du lịch như thế nào...

Không chỉ vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn đặc biệt quan tâm đến những vườn cây ăn trái ở Hậu Giang, những người nông dân làm du lịch tự phát để định hướng, hỗ trợ khai thác làm du lịch sao cho thu hút. Tuy vậy, việc dò tìm một hướng đi cho một nơi có xuất phát điểm thấp như Hậu Giang quả thật rất khó. Cái khó bắt đầu từ cả những người lãnh đạo, quản lý đến tận người dân. Nói một cách khác, Hậu Giang đang cần là tìm cho ra những sản phẩm du lịch đặc thù để giới thiệu với du khách. Nhưng tìm bằng cách nào và phải làm như thế nào để trở thành đặc thù, thu hút các doanh nghiệp lữ hành, như chợ nổi Ngã Bảy từng có tên trong danh sách tìm đến của các đơn vị lữ hành trước đây?

Từ những bức xúc này, tỉnh đã chủ động kêu gọi đầu tư về du lịch bằng cách tổ chức hội thảo, tọa đàm, mời các chuyên gia về du lịch, các đơn vị lữ hành đến để cùng cho những ý tưởng kiến tạo sản phẩm du lịch. Qua đó, xác định phát triển du lịch theo hướng sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước.

Mới đây, các chuyên gia về du lịch đã có nhiều chuyến khảo sát để giúp Hậu Giang xây dựng sản phẩm du lịch. Đó là khảo sát trên tuyến kênh xáng Xà No, các điểm sinh thái miệt vườn, vùng đặc sản… các đoàn đã có đánh giá rất sát về hệ thống sản phẩm du lịch Hậu Giang, định hình, cùng chia sẻ cách để có thể xây dựng sản phẩm du lịch mang nét riêng…

Xây dựng sản phẩm, đồng hành cùng nông dân

Trong chuyến khảo sát các điểm du lịch cộng đồng cũng như các sản phẩm đặc thù, các khu điểm du lịch tại Hậu Giang, ông Dương Minh Bình, Công ty Du lịch dịch vụ cộng đồng CBT, nhấn mạnh: “Với cách xây dựng sản phẩm như Hậu Giang đã làm, các doanh nghiệp đầu tư du lịch sinh thái tại Hậu Giang đang làm, sẽ khó hút khách đến. Sản phẩm đơn điệu, có đầu tư thì lại bê tông hóa, chưa biết tận dụng những vật dụng rẻ tiền, nhưng rất độc đáo của làng quê mình. Trong khi khách cần, nhất là khách quốc tế cần chính là được hưởng thụ một không khí trong lành, hoang sơ, sông nước thật sự, không gò bó, không khuôn khổ, nhưng phải được phục vụ theo tiêu chuẩn 3 sao trở lên”. Nhấn mạnh điều này, ông cùng những đồng nghiệp của mình đã từng tư vấn cho rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và duy trì hiệu quả hoạt động, được du khách trong, ngoài nước đánh giá cao.

Về câu hỏi làm sao để giúp nông dân làm du lịch như một nghề thật sự? Ông Dương Minh Bình cho rằng, tự bản thân người nông dân phải thích thú, phải quyết tâm làm du lịch. Ông sẽ tư vấn và đồng hành cùng họ xây dựng sản phẩm du lịch và bảo hành sản phẩm này, có nghĩa là sẽ lãnh luôn phần trách nhiệm kết nối tua.

Thực tế, việc giúp cho người dân một cách làm cụ thể và đồng hành cùng họ xây dựng sản phẩm sẽ giúp họ tự tin, bởi đa phần những hộ dân manh nha làm du lịch ở Hậu Giang là tự phát, tự nghĩ ra cách làm, nên lạc lõng trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch. Có mặt trong buổi gặp gỡ với những chuyên gia làm du lịch, ông Lê Văn Bé Hai, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Cách mà họ nói rất hay, nếu được họ cùng đồng hành, chúng tôi sẽ tự tin hơn và đầu tư có định hướng rõ ràng, biết cách để phục vụ khách, không như trước đây, đơn giản như bán một món đồ…”.

Hậu Giang có khá nhiều vườn cây ăn trái với diện tích rộng, người dân ở các vườn khóm, dâu, bưởi… đã bắt đầu có ý tưởng, thích thú với việc làm du lịch từ sản vật của địa phương. Sự chung tay và đồng lành của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành có liên quan và đặc biệt là những chuyên gia có kinh nghiệm trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù sẽ là một hướng mở mới đầy hứa hẹn…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích