Du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long: Đã khó lại thêm khó !

09/03/2020 | 07:52 GMT+7

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp đem lại nguồn thu không nhỏ, nếu không muốn nói là “Siêu to, khổng lồ” cho các tỉnh, thành. Bởi vậy, lĩnh vực này đã và đang được đầu tư nghiêm túc, rút ra những bài học kinh nghiệm đắt giá, trong đó có bài học “Liên kết”. Nhưng liên kết ra sao, trọng tâm thế nào để phát huy tiềm năng, thế mạnh từng địa phương? Tới đây dự kiến có rất nhiều cuộc họp, hội thảo sẽ bàn về vấn đề này.

Bài 2: Liên kết - Bài học cũ nhưng đắt giá

Liên kết để phát triển là việc cần thiết được những người làm du lịch đồng bằng đã bắt tay thực hiện để tạo dấu ấn mới cho phát triển du lịch vùng đất “Chín Rồng”.

Những chuyến đi khám phá sông nước miệt vườn luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: TRUNG QUÂN

Từng nơi đều biết rõ điểm nhấn của mình

Sản phẩm du lịch phải đáp ứng các yếu tố: nguyên bản, duy nhất, ấn tượng, độc đáo, đặc sắc… Đây là những yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển du lịch. Sản phẩm xây dựng phải dựa trên tài nguyên du lịch cùng với dịch vụ để phục vụ du khách. Như Kiên Giang định hình 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, gồm Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận; Vùng du lịch Phú Quốc; Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận; U Minh Thượng, với các sản phẩm: Du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tham quan công viên động vật hoang dã; tham quan công viên, mua sắm, trang trại nuôi trồng và cửa hàng bán sản phẩm ngọc trai; tham quan trại nuôi chó giống và đua chó (Phú Quốc) du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển trung cấp (Hà Tiên - Kiên Lương)…

Trong những năm gần đây, Đồng Tháp đã xây dựng khá nhiều sản phẩm du lịch từ tiềm năng của địa phương: du lịch sinh thái, tham quan, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng gắn với giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa; văn hóa lịch sử gắn với giáo dục lịch sử ngoài nhà trường; du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng… Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, cho biết: “Từ việc định vị mô hình phát triển du lịch cho các khu, điểm trọng điểm, những năm qua, chúng tôi đã đầu tư khai thác giá trị nổi bật, vẻ độc đáo, đặc thù và khác biệt để tạo nên những sản phẩm thu hút du khách như: Khu du lịch Tràm Chim, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch Đồng Sen Đồng Tháp Mười, Làng hoa kiểng Sa Đéc”…

Nói về việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, thì Bạc Liêu cũng đã tạo dấu ấn rất riêng từ việc tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang giá trị văn hóa riêng, đặc sắc, có tính cạnh tranh cao. Từ đó, đã dần hình thành sản phẩm văn hóa lịch sử từ bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các giá trị văn hóa gắn với giai thoại về Công tử Bạc Liêu; các giá trị văn hóa tâm linh, ẩm thực, các lễ hội đặc sắc của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy, việc phát huy văn hóa bản địa sẽ tạo nên sự khác biệt và đang đi theo hướng này để xây dựng sản phẩm đặc thù. Để du khách đến Bạc Liêu sẽ được nghe và tìm hiểu về bản Dạ cổ hoài lang, đờn ca tài tử, mục sở thị nhà Công tử Bạc Liêu và nghe những giai thoại về ông… Chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp và mong muốn nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết với các tỉnh, thành trong và ngoài khu vực, đồng hành phát triển lâu dài cùng doanh nghiệp để tạo ra bước phát triển mới”…

Kênh xáng Xà No sẽ được Hậu Giang tập trung khai thác du lịch trong thời gian tới. Ảnh: TRUNG QUÂN

Chung tay làm du lịch an toàn

Sự chung tay này đã được các địa phương nghĩ đến từ lâu, nhưng đến thời điểm gần đây mới có sự vào cuộc thật sự bằng cái bắt tay, ký kết hợp tác du lịch thật cụ thể. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, điều này được nhắc nhiều hơn và chắc hẳn rằng, dịch bệnh nguy hiểm có tác động đến sự phát triển trong tương lai tới không chỉ có Covid-19.

Cuối năm 2019, tại Bạc Liêu, lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Đây là lần đầu tiên có sự ký kết “lịch sử” này. TP.HCM được xem là đầu tàu, bởi nơi đây là điểm kết nối giữa ĐBSCL với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Từ đó, đã thống nhất 5 nội dung: Tăng cường trao đổi, các thông tin về tình hình phát triển du lịch giữa 14 địa phương qua nhiều hình thức; Dựa trên tiềm năng của địa phương và lợi thế, năng lực cạnh tranh chung của vùng để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết vùng và của từng địa phương; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng du lịch cho vùng và kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.

Từ đó, 5 nhiệm vụ trọng tâm cũng đã được đề ra: Tập trung đẩy nhanh kết nối về giao thông cả 4 phương thức (đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không), ưu tiên phát triển các loại hình du lịch đường thủy và mở rộng đường hàng không; hình thành sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng cho vùng, tạo sự khác biệt với các vùng, miền khác; liên kết trong quảng bá, truyền thông phải đi vào cụ thể và có sản phẩm chung; phát triển du lịch theo xu hướng du lịch thông minh và du lịch xanh; liên kết du lịch phải đảm bảo tính bền vững.

Sự liên kết này tiếp tục mở ra hướng mới, tiếp sức cho du lịch đồng bằng nói chung, từng địa phương nói riêng tiếp tục cất cánh. Cùng với đó, các địa phương cũng cần xác định phát triển du lịch theo hướng an toàn, để xây dựng những điểm đến thật sự thu hút khách du lịch. Để, du khách đến đây không chỉ thưởng lãm, trải nghiệm, mà họ còn cảm nhận được sự an tâm tuyệt đối về nhiều phương diện cho một chuyến du lịch hoàn hảo. Đây là điều rất cần sự quan tâm đặc biệt của những người làm du lịch, các ngành, các cấp có liên quan. Tuy nhiên, sự chung tay gỡ khó trong thời gian qua đã tạo một niềm tin rằng những điều còn vướng cản để du lịch cất cánh sẽ tiếp tục được nhìn nhận, soi rọi để có cách tháo gỡ phù hợp.

Hậu Giang hòa vào dòng chảy

Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, du lịch Hậu Giang đang từng bước khai thác tiềm năng, khẳng định vị thế, hòa vào dòng chảy du lịch đồng bằng. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chia sẻ, Hậu Giang đã xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư du lịch. Đây là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian qua, Hậu Giang cũng đã định hình những tua du lịch chủ đạo: dự án khôi phục chợ nổi Ngã Bảy, điểm du lịch cây lộc vừng, điểm du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc; một số khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động như Khu du lịch sinh thái Phú Hữu (huyện Châu Thành), rừng tràm Việt Úc (huyện Vị Thủy) cùng nhiều dự án đang kêu gọi đầu tư về lĩnh vực du lịch, nhà đầu tư tìm hiểu và có hướng đầu tư về lĩnh vực du lịch…

Tỉnh đã chủ động tổ chức hội thảo, hội nghị để cùng tìm ra cách để xây dựng sản phẩm du lịch; là dịp để lãnh đạo tỉnh, những người làm du lịch Hậu Giang gặp gỡ, lắng nghe và chia sẻ các ý tưởng của các chuyên gia về du lịch, các đơn vị lữ hành… Từ đó, tiến hành khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nắm nhu cầu của các doanh nghiệp đang đầu tư du lịch, nông dân làm du lịch, xem những khó khăn và thuận lợi của họ khi đầu tư lĩnh vực này; tổ chức học tập kinh nghiệm làm du lịch tại Đồng Tháp và hỗ trợ, cùng đoàn chuyên gia khảo sát tuyến du lịch trên kênh xáng Xà No; tổ chức Cuộc thi Sáng tác mẫu quà tặng lưu niệm du lịch; tổ chức tập huấn về cách làm du lịch cộng đồng cho nông dân có điều kiện làm loại hình du lịch này…

Năm 2020, ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Hậu Giang và các kế hoạch, đề án của UBND tỉnh đã ban hành về du lịch, Hậu Giang còn triển khai thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác ký kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong đó, có 3 tuyến du lịch được đề xuất để kết nối Hậu Giang với TP.HCM và các tỉnh, thành.

Đây có thể xem là một động thái mới để khai thác tiềm năng, đưa du lịch Hậu Giang hòa vào dòng chảy của du lịch khu vực nói riêng, cả nước nói chung.

Thời điểm này, cái khó đè nặng lên sự phát triển của du lịch, nhưng sau cơn mưa trời lại sáng, ứng phó với dịch bệnh chỉ là một phần trong chiến lược phát triển của sông nước Cửu Long. Do đó, những kế hoạch chiến lược cho phát triển du lịch nơi đây sẽ được triển khai, để du lịch thật sự phát huy trọn vẹn tiềm năng, đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách các địa phương.

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích