Hướng mở cho du lịch Hậu Giang

08/07/2019 | 23:45 GMT+7

Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”, có rất nhiều ý kiến quý giá, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, gợi mở về hướng phát triển cho du lịch Hậu Giang, phóng viên Báo Hậu Giang xin được lược ghi những ý kiến này gửi đến quý độc giả.

Lãnh đạo tỉnh và đại biểu chứng kiến ký kết.

Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:

“Khi dân tin, họ sẽ bày cho mình cách làm hay”

- Hơn 8 năm trước, tôi đã nghe đến từ du lịch nông nghiệp, thấy hay nên quyết tâm tìm hiểu và thấy nếu Đồng Tháp phát huy loại hình du lịch này sẽ là một lối đi mới. Tôi nghiệm ra, muốn phát huy du lịch nông nghiệp, phải giúp nông dân hiểu và cùng làm với mình. Tôi đã đến với họ, nghe họ nói, nói họ nghe những điều mình tìm hiểu về du lịch nông nghiệp. Họ tin mình sẽ nói cho mình biết những cách làm hay. Từ đó, mình có một giải pháp đồng bộ, dài lâu để định hướng phát triển du lịch nông nghiệp. Đầu tiên là việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Hội quán nông dân là nơi để nông dân chia sẻ nhau cách làm. Ban đầu là mình lập có chủ đích, dần dần đã lan rộng. Giờ đã có hơn 70 hội quán. Mới đây, tại thành phố Sa Đéc, đã thành lập “Hội quán cùng nhau làm du lịch”, tiếp tục là nơi gặp gỡ của những người trồng hoa để cùng nhau giới thiệu nét độc đáo của làng hoa quê mình…

Tôi cũng đã dành nhiều buổi nói chuyện tại các hội quán này để trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, động viên người dân làm giàu từ sản vật quê hương. Cùng với đó là việc truyền thông, kết nối tạo đầu ra cho sản phẩm; mở hướng phát triển du lịch. Khi đó, người dân đã có một bước chuẩn bị và vào cuộc dễ dàng hơn. Tôi còn đi các nơi xem họ làm du lịch ra sao, mời những người có cách làm du lịch hay về trao đổi trực tiếp với nông dân… Tất cả đều nhằm mục tiêu kích thích khả năng sáng tạo của nông dân và giúp họ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Phương châm của tôi chính là khơi gợi niềm tự hào của nông dân trên mảnh đất quê mình để phát triển du lịch, chứ không hẳn chỉ vì lợi ích kinh tế. Với Hậu Giang, một tỉnh có nhiều tiềm năng chưa khai phá hết, hãy chọn những đặc điểm rất riêng, khác biệt để bắt đầu cho hành trình khai phá tiềm năng du lịch của mình.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang:

“Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, không ồ ạt…”

- Hội thảo đã diễn ra với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn đi vào vấn đề. Đây là hoạt động tiếp nối chuỗi “Diễn đàn kinh tế xanh 2018”, Hội thảo “Giúp nông dân làm giàu thông minh”, nhằm thúc đẩy liên kết truyền thông trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, kỳ vọng xây dựng một “Hậu Giang xanh”, với hình ảnh người nông dân Hậu Giang có kiến thức, hạnh phúc và được làm giàu trên chính mảnh ruộng, vườn quê mình.

Những ý kiến đóng góp, sẽ được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để có sự thống nhất về nhận thức và hành động cho người dân, nhất là những người trực tiếp tham gia làm du lịch. Tôi đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập hợp đầy đủ tài liệu để công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh của sở và UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, để mọi đối tượng quan tâm có thể tiếp cận và nghiên cứu. Sở chủ động phối hợp với đài, các đơn vị hữu quan và doanh nghiệp đã ký kết ghi nhớ hôm nay, bàn chi tiết để hình thành các dự án hợp tác du lịch phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến; xúc tiến, mời gọi một số doanh nghiệp, chủ đầu tư có năng lực tài chính, có chuyên môn về du lịch để phát triển một số mô hình mẫu về du lịch nông nghiệp gắn với các loại hình lưu trú khác nhau, sau đó nhân rộng.

Trong phát triển du lịch tại Hậu Giang cần lưu ý trọng tâm, trọng điểm, không phát triển ồ ạt, chạy theo số lượng; đảm bảo mang tính cạnh tranh, nghiên cứu áp dụng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn để xây dựng, khai thác. Bên cạnh đó là gắn với phát triển làng nghề truyền thống ở địa phương, với chương trình mỗi xã một sản phẩm…

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam:

“Phải cho dân hiểu và cùng đồng hành”

- Sở dĩ Hội An có thương hiệu du lịch ở thị trường du lịch trong nước và quốc tế, là chính nhờ con người Hội An đã làm nên thương hiệu này. Họ đã biết cách khai thác các giá trị của chính mình để tạo ra một thương hiệu cho mình và “rủ rê” du khách. Chúng ta có thể thấy sản phẩm du lịch Hội An không giống vùng khác, dù có thể nó chưa sáng tạo, chưa tinh tế, nhưng đó là của Hội An. Chúng tôi đã cùng nhau làm như thế, tận dụng, chắt chiu từng sản phẩm của quê mình. Tôi cũng đã đi nhiều, học cách làm du lịch ở các nơi và thật hạnh phúc khi được tỉnh Đồng Tháp mời về nói chuyện cùng nông dân về cách làm du lịch.

Giờ đến Hậu Giang, dù chưa biết mảnh đất này nhiều, nhưng tôi tin rằng Hậu Giang vẫn còn nhiều sản vật của quê mình để tạo nên sự khác biệt cần có. Cái chính là các bạn phải tìm và khai thác những sản vật ấy theo cách riêng và cái quan trọng vẫn phải làm cho người dân hiểu và đồng hành cùng mình. Đây là một câu chuyện dài, không thể làm một sớm một chiều, mà phải có một tầm nhìn chiến lược…

Ông Phan Đình Huê, Chuyên gia Tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt:

“4 trụ cột chính giúp du lịch Hậu Giang cất cánh”

- Du lịch nông nghiệp đang là xu hướng chung không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Như Hàn Quốc có trang trại sâm, cam quýt; Hà Lan có du lịch homestay trong vùng trồng hoa và cách trồng hoa tulips. Thái Lan có du lịch nông nghiệp mỗi làng một sản phẩm… Tất cả các nơi đều tập trung khai thác sản phẩm của địa phương mình, cùng với cách tiếp thị cho sản phẩm rất chuyên nghiệp.

Ở ĐBSCL nói chung, Hậu Giang nói riêng cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng khi làm du lịch nông nghiệp. Khó khăn chủ yếu ở đây không phải thiếu sản vật, mà là thiếu kiến thức về phát triển sản phẩm, nên thường sao chép dẫn đến trùng lắp. Chúng ta nên hiểu rằng, du khách chỉ mua sản phẩm chứ không mua tài nguyên. Ví dụ, họ mua tua trải nghiệp ngoài đồng chứ không mua đồng lúa, mua tua trên sông chứ không mua sông…

Hậu Giang nên chọn 4 tài nguyên chính làm trụ cột cho chiến lược phát triển du lịch gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; kinh xáng Xà No, vùng trồng lúa, cây ăn trái và khóm; văn hóa truyền thống của cư dân miệt Hậu Giang. Từ đó, định vị điểm đến gắn với du lịch nông nghiệp là Lung Ngọc Hoàng. Từ đó, phát triển các trang trại, cơ sở lưu trú xung quanh khu; phát triển các tua tham quan bằng các phương tiện không động cơ dành cho du khách yêu thiên nhiên; mời gọi một số doanh nghiệp có chuyên môn và thị trường đến đầu tư các mô hình du lịch nông nghiệp để bà con nông dân noi theo; tổ chức các đoàn khảo sát dành cho các công ty chuyên về khách nhập.

Ông Stiermann Martin, Giám đốc Công ty Stiermann Martin Ricefield Lodge tại Cần Thơ:

“Danh tiếng du lịch phải dựa trên sự thân thiện với môi trường”

- Tôi rất ấn tượng với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nên cũng có đề xuất ý tưởng về dự án “Về với Hậu Giang và Khu bảo tồn đất ngập nước”. Cần lập kế hoạch kinh doanh chuyên nghiệp, xây dựng một trung tâm đào tạo về du lịch sinh thái, nấu ăn; nơi cung cấp thông tin đầy đủ về du lịch Hậu Giang, tốt nhất ở ngay cửa ngõ vào tỉnh. Các bạn cần phải đặc biệt tránh cách làm du lịch kiểu tràn lan, mà hãy chọn lọc. Kinh nghiệm của tôi là làm ít mà thu nhiều. Trong đó, phải không dùng động cơ ồn ào, xây dựng danh tiếng dựa trên cơ sở thân thiện với môi trường. Quảng bá và phải hợp tác với các tỉnh, thành lân cận để cùng nhau phát triển.

Riêng cá nhân tôi, tôi có thể cộng tác với Hậu Giang dựa trên kinh nghiệm của tôi để tư vấn các dự án du lịch. Lối suy nghĩ “kiểu Đức” sẽ tạo nên một khái niệm mới; ý tưởng về quà lưu niệm mang bản sắc của sự hợp tác; hỗ trợ các chủ đất để tìm ra một phong cách thích thực cho hoạt động lưu trú; tạo nên sản phẩm mới dựa trên sản phẩm bản địa…

Nhiều ký kết hợp tác phát triển du lịch

- Hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”, diễn ra vào ngày 8-7 tại Đài PT&TH tỉnh Hậu Giang, thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia trong và ngoài nước và bà con nông dân chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch nông nghiệp trong nước và thế giới; đề xuất giải pháp, kế hoạch hợp tác thiết thực để từng bước đưa du lịch Hậu Giang phát triển. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang đã ký kết 3 bản hợp tác ghi nhớ với Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, Công ty Stiermann Martin Ricefield Lodge và Công ty TNHH HTC Vị Thanh, về hợp tác phát triển du lịch.

 

VĨNH TRÀ lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích