Khi nông dân làm dịch vụ sân phơi lúa

06/04/2021 | 09:24 GMT+7

Từ chuyện khó khăn tìm lò sấy lúa sau thu hoạch, một số người đã đầu tư làm sân phơi lúa cho thuê, thu nhập hàng năm khá ổn định.

Lao động nữ làm nghề phơi lúa thuê ở các sân phơi.

Những ngày này, nếu có dịp đi dọc các tuyến kênh lớn ngang qua các xã Thuận Hòa, Xà Phiên, Thuận Hưng… thuộc huyện Long Mỹ, chắc hẳn sẽ thấy cảnh nhộn nhịp từ đồng ruộng đến sân phơi, khi nhiều ghe lớn tấp nập cập bến lên xuống lúa. Với cái nắng ban trưa như đổ lửa, hàng chục chị lao động nữ tay cào, tay kéo những bao lúa vừa mới đổ ra trên sân phơi của anh Tám Kiến (Trần Văn Kiến), ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, chị nào cũng thấm đẫm mồ hôi.

Anh Tám Kiến chủ sân phơi lúa cho hay hơn 8 năm trước anh là người đầu tiên khởi xướng lập sân phơi lúa ở xứ này. Với diện tích hơn 3.000m2 làm sân phơi hiện nay, trước đó là khu vườn tạp thu hoạch không hiệu quả nên anh phá vườn lập sân phơi lúa. Ý định lúc đầu chỉ lập sân phơi nhỏ để phơi lúa nhà, dần dà về sau thấy bạn hàng mua lúa nhiều nơi đến hỏi thuê sân phơi nên anh quyết định đầu tư vốn thuê mướn người be đắp bờ bao xung quanh, bơm cát làm sân cho thuê phơi lúa với công suất khoảng 50 tấn lúa/lần. Sân phơi của anh không xây gạch, hay sân xi măng mà chỉ là sân cát. Cát được san phẳng trải thêm lên lớp lưới mùng đổ lúa vào là phơi. Khi chiều đến hoặc trời sắp đổ mưa thì chỉ cào lúa lên thành giồng để che đậy. Làm sân kiểu này, nếu lỡ lúa phơi có bị mắc mưa thì nước mưa chỉ chảy xuống nền cát, không bị nước đọng lại như sân xi măng và gom lúa hạt nhanh hơn không tốn công quét gom lúa.

Thành công đến với anh hơn mong đợi, khi sân lúa vừa mở ra thì thời gian sau bạn hàng tìm đến thuê mướn ngày một nhiều. Thấy sân phơi phát huy hiệu quả, những năm tiếp theo anh mở rộng sân phơi lên nhiều hơn và xây cất thêm nhà kho để chứa lúa cho khách hàng. Nhờ vậy mà sân phơi của anh một năm 2 vụ lúa Hè thu và Đông xuân lúc nào cũng đông nườm nượp khách, lúa phơi khô xuống ghe thì bạn hàng trả tiền ngay. Tiền thuê sân anh tính giá 200.000 đồng/tấn lúa. Nghe thì nhiều, nhưng anh đâu được hưởng trọn một mình, anh còn phải chi trả lại tiền thuê mướn nhân công bốc vác lúa từ dưới ghe lên sân phơi và ngược lại. Tiền mướn người phơi, người dọn dẹp dự chi mỗi tấn lúa cũng đã hết 145.000 đồng, số tiền còn lại mà chủ sân được hưởng cũng chỉ chừng 50.000 đồng/tấn. Cái được là nhờ thời gian và số lượng nhiều nên cuối vụ dồn đi tính lại trừ hết các khoản chi mua sắm lưới cước, bạt che… chủ sân phơi còn được phần dôi dư khoảng trăm triệu đồng/năm.

Thấy anh làm ăn được mà bạn hàng còn cần nhiều sân phơi nên một số hộ gần kề cũng nắm bắt cơ hội làm theo. Phong trào lập sân phơi lúa không những ở trong ấp mà còn xuất hiện ở các ấp, xã lân cận như Xà Phiên, Thuận Hưng… Anh Đặng Văn Út, ở ấp 8, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, cũng là người hưởng ứng phong trào làm sân phơi lúa cho thuê, tâm sự: “Đa phần người làm sân phơi lúa ở đây đều tự đầu tư, tự xoay xở. Hàng ngày các thương lái từ nhiều nơi như miệt Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang, hay Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp… mua lúa khi đi qua tuyến kênh này đều tấp vào đây đặt sân thuê phơi lúa. Hàng năm, cứ vào mùa thu hoạch rộ như vụ lúa Đông xuân thì không đủ sân cho thuê, bạn hàng phải điện thoại đăng ký trước vài tuần để chủ sân xếp lượt. Các sân phơi kiểu này không những giảm áp lực phơi lúa vào mùa thu hoạch rộ khi các lò sấy không đáp ứng kịp, mà còn tạo được công ăn việc làm cho người dân lao động địa phương”.

Nghỉ tay uống nước khi đã cào trở lúa xong, chị Thị Kim Quyên, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cho biết gia đình không ruộng đất nên cuộc sống phụ thuộc vào việc làm mướn. Những năm gần đây nhờ có nhiều sân phơi lúa thuê mướn người làm nên vợ chồng chị cũng như một số anh chị em khác trong và ngoài xã có được việc làm thường xuyên. Chồng chị làm công việc bốc vác lúa lên xuống ghe, còn chị đảm trách công đoạn phơi nên có được thu nhập khá”.

Chị Quyên nhẩm tính nếu mùa khô một mẻ lúa khoảng 80-100 tấn phơi mất 2-3 ngày là khô, còn mùa mưa thì 4-5 ngày, như vậy tính ra mỗi ngày vợ chồng sẽ có khoản thu nhập từ 400.000-500.000 đồng/người, có khi cũng được nhiều hơn tùy theo công việc thường xuyên nhiều hay ít. Anh Sáu Võ, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, làm nghề mua lúa chà gạo bán đã nhiều năm thuê mướn sân phơi của anh Út cho rằng: Thường thì lúa phơi sân nắng tự nhiên chà gạo ít hao hụt và chất lượng hạt gạo trắng bóng nên được người tiêu dùng ưa thích. Từ khi có nhiều nơi cho thuê sân phơi lúa, các chủ thu mua lúa cũng rất phấn khởi, liền kết nối với các chủ nhà để sẵn sàng có sân phơi khi lúa về. Có dịch vụ cho thuê sân phơi lúa không chỉ giúp chủ sân thu lợi nhuận, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>