Lấy công làm lời với nghề rửa xe

02/06/2017 | 08:49 GMT+7

Chạy dọc theo các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, từ thành thị hay nông thôn, sẽ dễ bắt gặp các tiệm rửa xe lớn, nhỏ đắt khách.

Bãi rửa xe của ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ yếu rửa các loại xe tải, xe khách.

Với số vốn đầu tư khá ít và chủ yếu lấy công làm lời, nghề rửa xe đang là cần câu cơm cho nhiều gia đình… Không đòi hỏi trình độ, cần siêng năng, kỹ tính và giao tiếp tốt là có thể sống được với nghề rửa xe. Anh Huy, chủ một tiệm rửa xe ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, nói: “Mấy tiệm ở trong trung tâm chợ đắt lắm, một ngày trung bình rửa cả chục chiếc xe máy luôn. Do tiệm của tôi nằm ven trung tâm, với lại ở đây tiệm rửa xe cũng mọc lên nhiều nên ngày khoảng 5-7 chiếc xe thôi, nhiêu đó sống cũng được rồi”. Một chiếc xe máy khi rửa xong trừ hết chi phí chủ tiệm cũng lời được khoảng 8.000-10.000 đồng/chiếc.

Để có thể mở một tiệm rửa xe dụng cụ cũng không cần đầu tư quá nhiều, một số máy móc chính như: máy rửa xe, máy nén khí, máy hút bụi, máy phun bọt tuyết, ít cái khăn lau… Trung bình một chiếc xe máy thường mất khoảng 10-15 phút để rửa và có giá từ 15.000-20.000 đồng/chiếc (trước đây, nhiều tiệm nông thôn rửa 1 chiếc xe máy giá từ 8.000-10.000 đồng). Còn đối với ô tô, khoảng 45 phút mới rửa xong được một chiếc, xe lớn, rửa lâu hơn, nên giá cũng cao hơn, sẽ từ 70.000-100.000 đồng/chiếc, tùy thuộc vào loại xe.

Để giữ chân khách hàng và có thể khắc phục các sự cố nhỏ đối với xe, đa phần chủ các tiệm rửa xe phải trang bị thêm những hiểu biết thông thường về xe hoặc các tiệm thường đi kèm thêm các dịch vụ thay nhớt, bảo dưỡng, bơm hơi… Ông Quý, chủ tiệm rửa xe - sửa xe máy ở phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, nói: “Hồi trước, tôi chỉ sửa xe thôi, nhưng thấy gia đình có sẵn mặt bằng cũng rộng nên tranh thủ mở thêm dịch vụ rửa xe để phục vụ khách luôn. Nghề rửa xe này, thấy vậy chứ nặng công lắm, lại đòi hỏi mình phải thật kỹ nữa”. Thường vào các dịp lễ, tết hay mùa mưa, lượng khách rửa xe sẽ tăng đột biến và đây cũng là thời điểm ăn nên làm ra của nghề rửa xe.

Nghề rửa xe rất cần sự tỉ mỉ, chú trọng từng chút một ở các công đoạn cọ rửa. Anh Lê Minh Sang, chủ một tiệm chuyên rửa xe 2 bánh, 4 bánh ở phường I, thành phố Vị Thanh, tâm sự: “Thường ở các chi tiết nhỏ là mình phải kỳ cọ cẩn thận nhất. Rửa xe 2 bánh thì đơn giản chứ xe 4 bánh là phải làm nhiều công đoạn lắm, vậy xe mới sạch được”. Đối với xe 4 bánh khi rửa xe người thợ phải hút bụi, lau sàn, xịt rầm, rửa xe bên ngoài và làm vỏ cho bóng rồi mới giao khách được. Khâu khó nhất khi rửa xe thường là ở các chi tiết nhỏ. Đối với nghề này, người thợ không chỉ phải rửa xe cho khách thật kỹ, mà còn phải thật cẩn thận để tránh các tai nạn nghề nghiệp như đứt tay hay ngã xe của khách…

 “Khó khăn lớn nhất của nghề là cần phải có mặt bằng rộng, để có mặt bằng thì phải thuê với giá khá cao. Vì vậy, đa phần các tiệm rửa xe nhỏ sẽ nằm ngay trung tâm, còn các tiệm lớn sẽ được mở cách xa trung tâm một chút. Ở nhiều tiệm rửa xe lớn, đã tạo công ăn việc làm cho không ít lao động, thêm việc làm, xã hội bớt gánh nặng”, ông Sang chia sẻ thêm.

Đến với nghề rửa xe hơn 15 năm, ban đầu chỉ rửa xe thuê cho các tiệm lớn, sau dần tích góp, ông Nguyễn Thanh Hoàng đã mở được tiệm rửa xe, vá vỏ nằm ở đường 3 Tháng 2, phường V, thành phố Vị Thanh. Ông Hoàng cho hay: “Nhiều lúc khách đông quá, rửa xe từ sáng tới chiều chưa có một hột cơm vào bụng. Tại sợ khách đợi lâu nên cố gắng hoàn thành công việc. Mỗi lần rửa xe cho khách, tôi cứ nghĩ đó là xe của mình nên phải rửa thật kỹ, vậy thì khách mới gắn bó lâu dài. Tuy hơi cực, nhưng nghề này cũng tạm sống được”. Theo ông Hoàng khi khách hàng mang xe đến rửa đồng nghĩa với việc họ đã tin tưởng mình. Vì vậy, nếu rửa xe không kỹ là sẽ mất hết khách, mà cái nghề này mất khách coi như phải bỏ nghề…

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>