Tích cực hỗ trợ phụ nữ học nghề, giải quyết việc làm

16/05/2019 | 06:19 GMT+7

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ ở nông thôn luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ và toàn diện. Qua đây, đã góp phần giúp nhiều chị em có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Nhờ được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhiều lao động nữ ngày nay đã làm chủ được kinh tế gia đình.

Những ngày này, có dịp đến thăm một số cơ sở may đã góp phần giải quyết việc làm rất thiết thực cho nhiều chị em phụ nữ đóng trên địa bàn huyện Châu Thành A, mới cảm nhận hết sự phấn khởi của từng công nhân lao động nơi đây. Nắm bắt được nhu cầu của người lao động trên địa bàn, đặc biệt là phụ nữ, thời gian qua, huyện Châu Thành A không chỉ mở được các lớp dạy nghề phù hợp với thực tế địa phương, mà còn góp phần không nhỏ giúp lao động nữ có được việc làm, thu nhập ổn định.

Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành A, cho biết: “Hàng năm, trung tâm đều tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó, lao động nữ tham gia học nghề chiếm khoảng 90%. Hiện tại, số lượng nữ trong độ tuổi lao động trên địa bàn đa phần đã có việc làm ổn định tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài địa bàn. Do vậy, hiện chúng tôi đang tập trung giải quyết việc làm cho đối tượng ngoài độ tuổi lao động”. Qua khảo sát, lao động nữ trên địa bàn huyện chủ yếu có mong muốn học nghề may công nghiệp và kỹ thuật chế biến món ăn. Theo đó, đối với nghề kỹ thuật chế biến món ăn, học xong người lao động có thể mở các quán ăn hoặc làm các dịch vụ nấu ăn lưu động. Riêng đối với nghề may, để giúp phụ nữ ngoài độ tuổi lao động, nhưng còn sức khỏe sau khi học nghề có việc làm ổn định, thời gian qua trung tâm đã liên kết được với một doanh nghiệp may trên địa bàn để giới thiệu việc làm cho lao động.

 Phấn khởi khi được học nghề và có việc làm gần nhà, bà Võ Thị Tuyết, 40 tuổi, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, nói: “Trước đây, gia đình cũng khó khăn lắm, thu nhập của cả nhà chỉ phụ thuộc vào công việc làm thuê, làm mướn của chồng tôi, nên đâu có dư dả gì. Thấy vậy, khi nghe địa phương có mở lớp dạy may và giới thiệu việc làm tại chỗ, tôi đã mạnh dạn đăng ký theo học. Sau một tháng học nghề, hiện tôi đã được công ty may nhận vào làm, với mức thu nhập khá ổn định khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng”. Được biết, từ mức thu nhập ổn định của bà Tuyết, hiện vợ chồng bà đã có điều kiện để lo cho các con tiếp tục đến trường. Bên cạnh đó, ngôi nhà lá thiếu trước hụt sau của gia đình, giờ cũng được sửa sang lại chắc chắn hơn.

Còn đối với bà Huỳnh Thị Lượm, 36 tuổi, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cũng nhờ học được nghề đan lục bình, đã giúp gia đình bà từng bước vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn. Bà Lượm tâm sự: “Sau khi học được nghề đan lục bình, ngoài đan gia công sản phẩm, tận dụng nguồn lục bình có sẵn ở địa phương tôi cũng đi cắt để bán nguyên liệu nữa. Nhờ vậy, hàng tháng cũng kiếm được thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng, để phụ thêm chi phí trang trải cuộc sống gia đình”.

Được học nghề không chỉ giúp phụ nữ có công ăn việc làm và tăng thu nhập, mà qua đây cũng đã tạo điều kiện cho nhiều lao động nữ vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như chị Trần Huỳnh Ngọc Trâm, 31 tuổi, ở ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, nhờ học nghề may, đã giúp chị từ một công nhân may gia công, trở thành chủ một cơ sở may lớn hiện đang tạo việc làm cho khoảng 60 lao động trên địa bàn. Chị Trâm tâm sự: “Mừng lắm, vì giờ cuộc sống của gia đình tôi không còn túng thiếu nữa, mà tôi còn giúp được cho nhiều chị em phụ nữ nghèo, phụ nữ ngoài độ tuổi không được các công ty lựa chọn có việc làm ổn định”. Hiện tại, ở cơ sở may của chị Trâm có hơn 95% lao động là nữ, trung bình mỗi công nhân cũng kiếm được thu nhập từ 80.000-150.000 đồng/ngày.

Có thể thấy, nhờ các hoạt động hỗ trợ học nghề, tạo việc làm của các cấp, các ngành, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự nỗ lực vượt khó vươn lên của nhiều chị em, trong những năm qua, đã có nhiều hộ phụ nữ thoát nghèo bền vững.

Được biết, trong kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Tỉnh sẽ phấn đấu giới thiệu việc làm cho nữ đạt 40% trong tổng số người được tạo việc làm mới; phấn đấu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30%; đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch được giao có ít nhất 40% là lao động nữ; phấn đấu có 90% tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn vốn tín dụng…

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích