Xóm nghề đan đát vào vụ tết

14/01/2021 | 08:38 GMT+7

Thời gian qua công tác đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là phụ nữ trung niên vùng nông thôn được các cấp hội, đoàn thể huyện Phụng Hiệp quan tâm. Nhiều học viên sau khi học nghề đã có được việc làm ổn định, vượt khó vươn lên thoát nghèo.

Các chị làm nghề đan bàn ghế, đôn ngồi, salon bằng dây dù ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp.

Trong lần về thăm lại xã nông thôn mới Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, những ngày cuối năm, hầu như mọi thứ chuẩn bị đón chào năm mới Tân Sửu 2021 của bà con nơi đây thật rộn ràng. Những người làm nghề trồng hoa kiểng cũng đang chăm chút bón phân, tỉa cành cho những chậu hoa cúc, hoa mai, vạn thọ, mồng gà,... sớm ra hoa kịp tết. Chờ lúc nghỉ tay uống nước, tôi lân la bắt chuyện làm quen với chị Út Mai, ngụ ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, để được nghe chị kể về nghề trồng hoa bán tết. Chị nói với tôi trước đây gia đình chị rất khó khăn, nhà thì ruộng đất ít, chồng chị cứ đau yếu liên miên, con cái còn trong độ tuổi còn ăn học. Thân gái một mình làm thuê lo đủ thứ, vậy mà tiền làm được không thấm vào đâu. May nhờ có Hội LHPN Việt Nam xã, huyện và anh Út Duẫn (Phạm Thanh Duẫn) ở gần nhà mở lớp dạy nghề đan đát bàn ghế bằng dây dù. Thấy có lợi, chị và nhiều chị em khác trong ấp rủ nhau tham gia lớp học. Với sự chỉ dẫn nhiệt tình của thầy cô lớp dạy và anh Út Duẫn nên chỉ trong thời gian ngắn, tay nghề chị thuần thục. Lúc rảnh rỗi thì chị đến cơ sở của anh Duẫn đan cùng với nhiều chị em khác cho vui, khi bận việc thì nhận nguyên liệu về vừa làm tại nhà, vừa đan tính ra mỗi tháng cũng được 3-4 triệu đồng. Còn nghề trồng hoa này chỉ là thời vụ mà chị học được từ các chị em trong hội LHPN chỉ cho. Mấy năm rồi cứ dịp tết, nhờ bán hoa kiểng mà chị có được thêm vài chục triệu đồng.

 Không chỉ có chị Mai thấy vui, mà còn có chị Thu An, chị Phượng, chị Hạnh, anh Nhĩ..., đều là những hộ nghèo, hộ khó khăn trong và ngoài ấp của những năm trước nhưng giờ cũng khá lên nhờ nghề đan đát có thu nhập hàng ngày. Chị Thu An (Dương Thị Thu An) tâm sự: “Nếu không có được nghề đan đát thì chắc gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác có mặt tại đây không biết làm gì để sống”. Nghề may vá tại gia của chị giờ đã lỗi thời không ai mướn, tuổi tác nay cũng đã cao, muốn vào làm công nhân cho công ty, xí nghiệp cũng không ai nhận. Phần nhiều bà con ở đây đều là dân lao động nông thôn, có được nghề là có việc làm mới có thu nhập, nếu không chắc gì thoát được cái vòng lẩn quẩn nghèo túng.

Anh Út Duẫn cho rằng công tác đào tạo nghề của các cấp chính quyền địa phương rất có hiệu quả, không chỉ giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn ấp, xã mà còn giúp họ thoát được cái khó khăn túng thiếu. Anh nói với tôi hơn 5 năm về trước gia đình anh nghèo lắm, nhưng sau khi học được lớp dạy nghề đan đát ở thành phố Ngã Bảy, anh về nhận đan gia công bàn ghế, salon, đôn ngồi bằng chất liệu dây vải dù cho một công ty ở Bình Dương, cho đến nay gia đình anh mới dần ổn định được cuộc sống. Thấy nghề đan đát dây dù không khó mà giá tiền công được trả cao, anh tập hợp nhiều hộ khó khăn trong ấp truyền đạt lại “ngón nghề”. Giờ thì mỗi ngày có hàng trăm chị em lứa tuổi trung niên đến đây vừa học vừa làm, mức thu nhập của họ cũng 4-5 triệu đồng/tháng. 

Khi nói đến kết quả đào tạo nghề theo địa chỉ cho lao động nữ ở vùng nông thôn có hiệu quả thì ở ấp Nhì, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cũng có mô hình đan đát thủ công dây nhựa, đi vào hoạt động hơn 2 năm qua với hơn 20 chị tham gia.  Bà Nguyễn Thị Thu, Tổ trưởng Tổ đan đát này cho biết phần đông các chị em đều là phụ nữ lớn tuổi, là hộ nghèo, hộ khó khăn không việc làm ổn định. Sau khi được Hội LHPN huyện kết hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp mở lớp dạy nghề đan đát ngắn hạn cho chị em, từ đó mà các chị có được việc làm, mức thu nhập từ 1-2 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thạch là thành viên trong tổ đan đát, phấn khởi cho hay: “Tuổi tôi năm nay cũng đã 60 nên khó tìm việc làm, nhờ có nghề đan đát từ dây nhựa nên có thu nhập đều đặn mỗi tháng. Mặc dù không nhiều, nhưng có thể giải quyết được phần nào chi tiêu trong gia đình. Nghề đan này rất thoải mái, không bị khống chế thời gian, độ tuổi nên ai cũng có thể làm để kiếm thêm thu nhập”.

 Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam huyện Phụng Hiệp, cho biết: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là “chìa khóa” thành công cho nhiều chương trình mục tiêu quốc gia. Trong năm 2020, Hội LHPN Việt Nam huyện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở được 12 lớp dạy nghề may công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, đan đát... cho 280 chị là hội viên Hội LHPN Việt Nam trong huyện tham gia. Ngoài ra, các cấp hội còn giới thiệu cho 184 chị tìm được việc làm tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh, với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, góp phần thực hiện tốt tiêu chí về giáo dục và cơ cấu lao động trong xây dựng xã nông thôn mới tại địa phương.

Với những kết quả đã đạt được, hy vọng trong giai đoạn tiếp theo, các cấp, các ngành huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thắng lợi trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nguồn lao động nông thôn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>