Nỗi lo mất nhà, mất đất… vì sạt lở

28/05/2023 | 21:25 GMT+7

Mới đầu mùa mưa, nhưng tình trạng sạt lở đất đã lan rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 27 điểm sạt lở với chiều dài gần 600m; diện tích mất đất 3.180m2; ước thiệt hại hơn 1,9 tỉ đồng. Giờ đây, câu chuyện sạt lở không chỉ là “sạt lở đến đâu chạy đến đó”, mà cần phải có biện pháp ứng phó căn cơ hơn.

Một điểm sạt lở ở huyện Châu Thành làm đứt đoạn lộ bê bông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ảnh: H.THU

Sạt lở ngày càng phức tạp

Tỉnh Hậu Giang có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, những năm gần đây dưới tác động của biến đổi khí hậu, cùng với các hình thái thời tiết cực đoan đã làm cho bờ sông bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô.

Vụ sạt lở ở ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp mới đây đã cuốn phần nhà ở phía sau của 4 hộ dân xuống sông, thiệt hại ước tính khoảng 230 triệu đồng. Hiện nay, những người dân sinh sống ven tuyến kênh Nàng Mao đang rất bất an, bởi vào cao điểm mùa mưa nền đất yếu, sạt lở đất ven bờ sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa. Chưa kể phương tiện thủy trọng tải lớn lưu thông trên kênh Nàng Mao nhiều. Các vụ sạt lở xảy ra vào lúc nước rong và hiện tại còn nhiều điểm có dấu hiệu răn nứt, nguy cơ cao.

Phần nhà phía sau của 4 hộ dân ở ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, bị sụp xuống kênh Nàng Mao. Ảnh: Y.LINH

Chị Nguyễn Thị Hằng, ở ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, nhớ lại: “Sáng ngày 26-5, như mọi ngày tôi thức dậy lúc 5 giờ 30 phút để chuẩn bị cho các con đi học, đang loay hoay trong nhà tắm thì nghe thấy tiếng răng rắc, tôi liền chạy ra ngoài và hô hoán lên. Chưa đầy 5 phút sau, bàn, ghế, tủ, kệ bị cuốn hết xuống sông. Sự việc xảy ra vào lúc mọi người trong gia đình đã thức dậy, tôi không dám tưởng tượng hậu quả nếu vụ việc mà xảy ra vào đêm khuya thì có thể không chỉ đồ vật mà cả nhà tôi cũng bị cuốn theo xuống sông”. Được biết, trong số 4 căn nhà bị sạt lở tại ấp Thạnh Lợi A1 thì gia đình anh Lâm Văn Tiến và chị Nguyễn Thị Hằng là bị thiệt hại nhiều nhất, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

Lâu nay, tình trạng sạt lở rất phức tạp nhưng cả người dân và doanh nghiệp vẫn còn chủ quan, cứ đổ xô lấn đất ven sông cất nhà. Đây là tâm lý chuộng ở hai mặt tiền “tiền lộ, hậu giang”, ở đâu có sông thì ven sông có nhà. Các chợ, khu đô thị sầm uất đều nằm ven sông. Đằng sau việc lựa chọn xây dựng “hai mặt tiền” này là sự trả giá rất đắt.

Nhìn về căn nhà trống huơ trống hoắc, vách và cửa bị đổ sập xuống sông vì bị sạt lở vào rạng sáng ngày 26-5 với đôi mắt đỏ hoe, ông Lâm Hồng Toán, ở ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, chỉ còn biết thở dài: “Đợt sạt lở vừa rồi làm toàn bộ phần nhà phía sau của gia đình sụp xuống sông, bây giờ cả nhà 6 người phải đi ở đậu, bởi không còn đất để di dời. Chỉ tội cho 2 đứa cháu nhỏ, bao nhiêu quần áo, sữa, đều bị cuốn theo dòng nước. Giờ đây cuộc sống gia đình tôi vô cùng khó khăn do mất tất cả…”.

Hay vụ sạt lở vào giữa tháng 5 vừa qua tại bờ kênh xáng Cái Côn, thuộc ấp Đông An 2A, xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy, với chiều dài sạt lở hơn 60m, sâu vào bờ nơi rộng nhất hơn 6m, diện tích mất đất hơn 360m2, ước thiệt hại khoảng 540 triệu đồng. Hiện nơi đây tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Còn vụ sạt lở diễn ra tại khu vực ven kênh Mái Dầm, ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, với chiều dài hơn 40m, sâu vào bờ 5m, diện tích đất bị mất hơn 200m2, làm mất lộ bê tông rộng 2m, ước thiệt hại khoảng 120 triệu đồng. Nguyên nhân sạt lở được ngành chức năng xác định là do ảnh hưởng dòng chảy.

Tăng cường ứng phó

Thông tin từ ngành chức năng, nguyên nhân chính gây ra sạt lở là do lưu tốc dòng chảy trên các tuyến kênh đều tăng so với trung bình nhiều năm làm cho nguy cơ sạt lở bờ sông ngày càng cao. Lưu lượng phương tiện thủy qua lại nhiều hơn do sự phát triển khá nhanh về kinh tế - xã hội của khu vực, nhất là sự xuất hiện của tàu có tải trọng lớn, tàu cao tốc tạo ra những đợt sóng lớn vỗ vào bờ. Sự quá tải của các phương tiện lưu thông tác động lên bề mặt đê làm mất ổn định mái đê.

Mặt khác, thói quen xây dựng nhà ven bờ sông, rạch làm gia tăng tải trọng lên mép bờ. Nhất là xây dựng lấn ra phía sông, ngoài tác động làm tăng tải trọng lên mái bờ còn thu hẹp, cản trở dòng chảy. Ngoài ra, nhu cầu nạo vét nâng cấp đê bao, việc người dân lấy đất gần bờ gia cố đê ngăn lũ sẽ làm giảm khối đất phản áp, từ đó làm giảm khả năng chống trượt của mái bờ, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết, những điểm sạt lở vừa qua rất may không gây thiệt hại về người. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường, huy động lực lượng tại chỗ cắm biển báo dừng mọi phương tiện lưu thông nhằm tránh bị ảnh hưởng thêm, đồng thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra. Qua khảo sát và nhận định của ngành chuyên môn, tất cả các điểm sạt lở trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay đều do ảnh hưởng của dòng chảy. Hướng tới thì huyện sẽ tập trung tuyên truyền vận động người dân hạn chế xây dựng nhà trên những tuyến có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân và hạn chế tối đa khu vực sạt lở trên địa bàn.

Sạt lở đất bờ sông vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, hệ lụy để lại rất nặng nề. Tại mỗi điểm sạt lở xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương sở tại điều động dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể vào cuộc giúp người dân khắc phục sạt lở; cắm biển cảnh báo sạt lở; treo đèn chiếu sáng hai đầu đoạn sạt lở và cùng với người dân tham gia khắc phục, dọn dẹp, hỗ trợ người dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, diễn biến sạt lở đất từ đầu năm đến nay hết sức phức tạp, số điểm sạt lở tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Để chủ động đối phó với các tình huống, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị các địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, tổng hợp, theo dõi các điểm xung yếu về sạt lở trên các tuyến kênh, sông để cắm biển cảnh báo vùng, khu vực sạt lở nguy hiểm hạn chế người và phương tiện qua lại. Cùng với đó là vận động người dân sống ở nơi có nguy cơ sạt lở sớm di dời đến nơi an toàn để hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Hậu Giang, những ngày gần đây, mực nước chân triều đang ở mức thấp, tốc độ dòng chảy mạnh, các trận mưa chuyển mùa đã sinh dòng chảy mặt và kết hợp với đất ở bờ sông, kênh đang tơi xốp, nứt nẻ, từ đó khả năng sạt lở bờ sông, kênh, rạch đang ở mức độ cao. Trước tình hình diễn biến phức tạp về sạt lở những ngày gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tăng cường kiểm tra các tuyến trọng yếu trên địa bàn để khuyến cáo người dân, không để thiệt hại về người do sạt lở gây ra.

Dự báo thời gian tới, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ kênh. Nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, hiện tỉnh Hậu Giang đã thành lập được 75 đội xung kích cấp xã tại 75/75 xã, phường, thị trấn của tỉnh, với tổng số 7.100 thành viên sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân khi xảy ra thiên tai. Để nâng cao công tác dự báo và ứng dụng công nghệ số vào phòng, chống thiên tai, hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 14 trạm đo mưa, triều cường tự động. Đối với sạt lở bờ sông, hàng năm tỉnh Hậu Giang đều chủ động xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; tổ chức rà soát, cắm biển cảnh báo sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện xung quanh khu vực sạt lở; triển khai các giải pháp kè bảo vệ; đồng thời huy động các lực lượng, đặc biệt là Đội xung kích phòng, chống thiên tai để khắc phục hậu quả khi xảy ra sạt lở...

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 điểm sạt lở, chủ yếu trên địa bàn huyện Châu Thành; chiều dài sạt lở 469m, diện tích mất đất 2.858m2, ước thiệt hại 2,07 tỉ đồng. Nhưng chưa đầy 5 tháng đầu năm nay, sạt lở đã tăng 9 điểm so với cả năm rồi; chiều dài, diện tích đều tăng so với cả năm 2022. Điều này cho thấy mức độ sạt lở đất bờ sông ngày càng diễn biến phức tạp.

H.THU - Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>