Chuyển đổi cây trồng ở xã nông thôn mới

18/02/2019 | 07:40 GMT+7

Giờ đây, về huyện Châu Thành A, chúng ta sẽ tận mắt chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của vùng quê này. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả nâng cao thu nhập nên đời sống của người dân được cải thiện rõ nét.

Nhờ chuyển đổi đúng hướng, lấy ngắn nuôi dài mà ông Tiến đang có trong tay nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Xác định phát triển kinh tế vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nên những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Trường Long A đã thực hiện nhiều biện pháp giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đảng ủy xã đã xây dựng đề án xây dựng xã nông thôn mới Trường Long A, giai đoạn 2010-2020. Song song đó, xây dựng quy hoạch cơ cấu kinh tế vùng, thực hiện có hiệu quả các đề án sản xuất nông nghiệp. Đây cũng chính là động lực dẫn đến thành công để địa phương được công nhận đạt xã nông thôn mới vào tháng 11-2018 vừa qua.

Bên cạnh việc tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, xã đã triển khai tích cực các giải pháp ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, địa phương còn khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gắn với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Nếu trước kia, Trường Long A có trên 80% hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có thu nhập thấp thì đến nay chỉ còn dưới 4% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 44 triệu đồng/người/năm. Đáng kể hơn, nhờ chuyển đổi tích cực về cơ cấu cây trồng mà đời sống người dân cải thiện rõ nét hơn. Hiện tại, địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Phan Văn Tiến, ở ấp Trường Hòa, phấn khởi khoe: “Giờ đây, bà con ở đây khá lắm nhờ trồng cây ăn trái như sầu riêng, mít Thái. Mỗi hộ thu nhập từ 200-300 triệu đồng/công/năm. Còn tôi, nhờ nhanh chóng chuyển đổi theo sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp, cải tạo vườn tạp mà năm nay bắt đầu thu nhập bạc trăm triệu”. Minh chứng cho tôi thấy những gì ông nói, ông Tiến chỉ tay về phía 10 công mít Thái xen sầu riêng của mình. Sau 2 năm chăm sóc, hơn 1.000 cây mít Thái của ông đã cho trái chiếng. Mới đây, thương lái đã vào vườn đặt mua với giá 60.000 đồng/kg mít. Nhìn ánh mắt hân hoan của ông Tiến là tôi nhận thấy niềm vui lớn đang đến với ông. Bởi theo tính toán vụ này, ông bán mít được hơn trăm triệu đồng. Ông còn tiết lộ thêm: Mít Thái để lấy ngắn nuôi dài, chỉ sau 3-4 năm nữa, khi mít cỗi, ông sẽ bắt đầu với 10 công sầu riêng Ri 6. Tuổi già của hai vợ chồng ông sẽ an nhàn, đầy đủ hơn.

Cũng với xuất phát điểm khó khăn, xã Tân Hòa đã bắt đầu vươn mình từ phong trào xây dựng NTM. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, cho biết: Để giải quyết tiêu chí hộ nghèo, giúp người dân nâng cao thu nhập, chúng tôi đã hướng dẫn người dân xây dựng mô hình, chuyển đổi sang cây trồng có hiệu quả kinh tế. Địa phương đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý NTM cấp xã, Ban phát triển 10/10 ấp. Bên cạnh đó, các thành viên trong Ban chỉ đạo đều được phân công nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, cán bộ kỹ thuật xã luôn phối hợp tốt với ngành khuyến nông, bảo vệ thực vật hướng dẫn, định hướng cho bà con xây dựng mô hình.

Nhờ cách làm đó mà bây giờ nông dân trong xã đã bắt đầu gặt hái được những quả ngọt đầu tiên nhờ chuyển đổi cây trồng có kinh tế cao như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, chanh không hạt, mít Thái.  Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Nguyễn Văn Phúc, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, xã từng bước vận động dân xóa vườn tạp, tăng thu nhập. Trong năm qua, cùng với sự nỗ lực hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền, nông dân toàn xã đã chuyển đổi được hơn 10ha đất vườn tạp. Toàn xã xây dựng và phát triển được trên 490 mô hình sản xuất cho thu nhập cao từ 100-300 triệu đồng/năm.

Theo ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua các mô hình sản xuất, trong năm 2018, ngành đã phối hợp với các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2014-2016, định hướng đến năm 2020, và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, có 22 hộ được giải ngân tiền thực hiện cải tạo vườn tạp với diện tích 17,42ha, cùng số tiền 803 triệu đồng. Ngoài ra, có 15 hộ tham gia hợp phần 4 (chăn nuôi) với số tiền là 968 triệu đồng và 9 hộ thực hiện hợp phần 3 với diện tích hơn 9ha.

Theo ông Phan Thạch Em, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, với phương châm “Chậm mà chắc, lấy chất lượng làm mục tiêu”, Châu Thành A tiếp tục quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất gắn với việc nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đảm bảo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực sự đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Bài, ảnh: TRÚC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>