Đồng bằng sông Cửu Long: Tích tụ ruộng đất nhìn từ thực tế

20/06/2017 | 08:14 GMT+7

Tích tụ ruộng đất được xem như một quy luật tất yếu để hướng đến ngành nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất thời gian qua diễn ra chậm so với yêu cầu thực tế. Để tích tụ đất đai đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia, đặc biệt là không làm nghèo hóa người dân cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Tích tụ ruộng đất với quy mô lớn sẽ thuận lợi trong khâu cơ giới hóa và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: H.THU

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vùng có thế mạnh về nông nghiệp. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng ở lĩnh vực này đang ngày càng giảm dần. Phương thức sản xuất theo lối mòn, quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, thiếu liên kết được cho là nguyên nhân chính. Để nông nghiệp phát triển bền vững và nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình không còn con đường nào khác là tổ chức lại sản xuất. Trong đó tích tụ, tập trung ruộng đất trở thành một nội dung rất quan trọng.

Làm giàu từ đất

Theo Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), hộ chuyên trồng lúa phải có ít nhất 2ha thì mới vượt qua ngưỡng đói nghèo, ít nhất 3ha mới có thể làm giàu, còn nông hộ nhỏ lẻ như hiện nay thì khó thoát nghèo. Minh chứng thực tế từ nhiều địa phương cho thấy, việc tích tụ ruộng đất đã xuất hiện tại nhiều nơi, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, tạo giá trị nông sản cao, giúp người nông dân làm giàu bằng chính nghề nông.

Nổi bật là vùng đất An Giang, đến các huyện miền núi như Tri Tôn, Thoại Sơn... không khó để tìm gặp những “đại gia” nông nghiệp. Một trong những số đó phải kể đến ông Nguyễn Lợi Đức, ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn. Sở hữu vài chục héc-ta đất, biết đầu tư tiền vốn, khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi giá trị, gia đình ông Đức đã làm giàu từ chính nghề nông. Ông Đức cho biết: “Ở vùng này, có rất nhiều hộ có đất rộng. Việc chuyển nhượng, góp đất nông nghiệp hình thành nên những cánh đồng lớn đã diễn ra từ lâu. Nhờ biết canh tác nên ai cũng có của ăn của để”.

Sở hữu trên 100ha đất trồng khóm, cơ sở thu mua hoạt động suốt ngày, ông Dương Văn Thanh (Bảy Thanh), ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cũng thuộc hàng “tỉ phú nông dân”. Ngoài trang trại ở quê nhà, ông Thanh còn thuê đến 35ha đất để trồng khóm ở tỉnh Tây Ninh. Hầu như đất nơi nào cũng bị trái khóm của người nông dân tài giỏi này chinh phục. Ông Thanh chia sẻ: “Bây giờ, muốn giàu phải làm ăn lớn, không có đất thì thuê. Nông dân giỏi không thiếu, chỉ lo cơ chế, chính sách có ủng hộ mình hay không mà thôi. Nếu cho sở hữu diện tích lớn và có thêm chính sách ưu đãi, số đất này tôi sẽ không thuê mà mua đứt luôn từ chục năm trước”.

Còn lắm rào cản

Hiệu quả mang lại từ việc tích tụ ruộng đất đã được minh chứng cụ thể. Nhưng điều đáng buồn thời gian qua tích tụ tập trung đất ở ĐBSCL chủ yếu là liên kết sản xuất để xây dựng cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), nông dân thuê đất của nông dân, doanh nghiệp (DN) thuê đất của nông dân và thực trạng tích tụ ruộng đất hiện nay tại ĐBSCL còn chậm. Thống kê từ đại diện GIZ, tính đến nay, số doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn mới chỉ phủ được 3,5% diện tích đất lúa toàn vùng.

Ngoài ra, các hình thức tích tụ này vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, lý giải: “Đối với hình thức tích tụ ruộng đất từ cánh đồng lớn doanh nghiệp phải đầu tư lớn, khó quản lý liên kết. Mô hình HTX thì thiếu đồng bộ trong triển khai luật, chính sách, thiếu vốn, trang thiết bị; mô hình nông dân thuê đất của nông dân thì khó đàm phán với nhiều hộ, rủi ro đòi lại đất trước hạn, chi phí đầu tư lớn, khó rút lao động dôi dư…”.

Về phía chính sách, pháp luật đất đai, quy định hạn mức nhận chuyển quyền đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản đối với hộ gia đình, cá nhân chưa khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn. “Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do công tác công bố, công khai quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên thực tế chưa tốt. Hiện mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp áp dụng chung như các bất động sản khác, còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp làm cho việc tích tụ đất đai diễn ra chậm”, ông Chu Hồng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, cho biết.

Ngoài những quy định thì chính sách hỗ trợ đối với các hộ không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp chưa đủ mạnh nên họ vẫn có xu hướng giữ ruộng làm vật “bảo hiểm”. Tại Bến Tre, theo phản ánh của Sở NN&PTNT tỉnh, khó khăn trong tích tụ ruộng đất, một bộ phận người dân không sản xuất hoặc sản xuất hiệu quả thấp nhưng vẫn có tư tưởng giữ ruộng, giữ đất, không cho thuê, cho mượn vì sợ khi có dự án sẽ không được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Mặt khác, đất được coi là tài sản bảo đảm từ đời trước đến đời sau và họ muốn giữ lại cho con cháu, vì thế rất khó để tích tụ ruộng đất.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Tích tụ ruộng đất một cách thiếu nghiên cứu, thiếu thận trọng có thể đẩy những người nông dân ra “bên lề” của công cuộc hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp. Từ 50% lao động làm việc trong nông nghiệp hiện nay rút xuống chỉ còn 5-10% trong tương lai. Số còn lại chắc chắn phải ra đi, nhưng đi đâu, làm gì cần phải có định hướng cụ thể. Do đó, để nông dân “ly nông bất ly hương”, chính sách tích tụ ruộng đất phải gắn với chính sách xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nghề...

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, muốn đẩy nhanh tích tụ ruộng đất phải lấy các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại có đầy đủ năng lực về tài chính, kiến thức, kinh nghiệm, có khả năng đầu tư toàn diện vào nông nghiệp. Việc xây dựng khung pháp lý cần phù hợp, minh bạch cho các hình thức tích tụ ruộng đất, loại bỏ tình trạng tích tụ và sử dụng ruộng đất theo hướng đầu cơ và việc bỏ hạn điền cũng cần tính đến.

Để tích tụ ruộng đất ở ĐBSCL, PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đưa ra 3 giải pháp. Cụ thể bà con nông dân góp vốn bằng diện tích ruộng đất, doanh nghiệp kinh doanh và chính nông dân cũng là công nhân lao động trên mảnh đất của mình; doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân, nông dân vẫn là chủ thể trong quá trình sản xuất nhưng có sự giám sát của doanh nghiệp, lợi ích đồng thuận trên hợp đồng có sự “bảo hộ” của chính quyền địa phương; cuối cùng là mô hình HTX kiểu mới, các thành viên cùng góp đất, vẫn giữ quyền sử dụng đất nhưng cần canh tác theo Luật HTX và các quy định khác của pháp luật.

Để chính sách tích tụ ruộng đất có tính khả thi, bền vững và có hiệu quả thực chất thì Nhà nước cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định và minh bạch, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, lợi ích của các nhà đầu tư, lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế và sự ổn định, trật tự của các quan hệ xã hội có liên quan. Tiếp tục đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế, phí; tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về vay vốn gắn với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nông nghiệp, tài sản gắn liền với đất. Thúc đẩy quá trình tập trung ruộng đất cùng với phát triển liên kết ngang giữa nông dân cũng như giữa nông dân và doanh nghiệp.

THÚY AN

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>