Trồng lúa giảm phát thải: Tương lai phát triển bền vững cho ngành lúa gạo

Thứ Năm, ngày 03/04/2025 | 18:40

 

Trồng lúa giảm phát thải.mp3

 

Câu chuyện về những nông dân miền Tây mạnh dạn trồng lúa sạch, giảm phát thải để nhận tiền thưởng bạc tỉ từ các tổ chức quốc tế đang là vấn đề được nhiều người bàn tán. Cách làm mới này mở ra tương lai phát triển bền vững cho ngành lúa gạo, bởi bảo vệ tốt môi trường, người trồng lúa và người tiêu dùng…

Trồng lúa giảm phát thải mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Ảnh: H.THU

Tín hiệu tích cực

Hơn 20 năm trồng lúa trên vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, nhưng đây là lần đầu tiên chị Trần Thị Thúy Ngân, ngụ xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vui nhất, khi nhận được tiền thưởng từ Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) nhờ mô hình canh tác giảm phát thải.

Vợ chồng chị Ngân có 10ha đất lúa, đây là kinh tế chính nuôi sống gia đình. Vụ Hè thu năm 2024, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Đồng Tháp) cử cán bộ kỹ thuật đến trao đổi việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp về trồng lúa giảm phát thải vừa tạo ra hạt gạo sạch, chất lượng, bán giá cao; đồng thời còn được tiền thưởng nhờ bán tín chỉ các-bon, bảo vệ tốt môi trường.

Theo đó, 10ha đất của chị Ngân được thiết kế lại một cách hợp lý, tạo sự gắn kết với các hộ xung quanh về giao thông, hệ thống nước tưới… nhằm mở rộng vùng sản xuất lớn. Chị Ngân còn được những kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn áp dụng quy trình canh tác mới; trong đó giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 130-150 kg/ha xuống còn 60-70 kg/ha; áp dụng tưới ngập khô xen kẽ nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu. Song song đó, ứng dụng công nghệ kết hợp để giảm thất thoát phân bón, tiết kiệm từ 20-30%; giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 7 lần xuống còn 4 lần mỗi vụ… Từ những cách làm mới đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, năng suất tăng 200-300 tấn/ha; cộng với được doanh nghiệp bao tiêu nên nông dân được nhiều cái lợi so với phương pháp canh tác truyền thống bên ngoài. “Vụ rồi dù giá lúa không cao nhưng nhờ chủ động giảm chi phí sản xuất nên lợi nhuận đạt hơn 32 triệu đồng/ha. Ngoài ra, những nông dân tham gia mô hình còn được công ty hỗ trợ thêm 1.000 đồng/kg lúa. Đặc biệt là ai cũng vui khi được thưởng 200.000 đồng/ha từ hiệu quả của canh tác lúa giảm phát thải”, chị Ngân cho hay.

Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa rộng 12ha của mình, nông dân Nguyễn Thành Nguyên, ở xã Tân Công Sính, khoe: “Bao đời nay nông dân cứ tới vụ là gieo sạ, bón phân, phun thuốc hóa học theo phương pháp truyền thống nên việc canh tác rất cơ cực và sức khỏe cũng bị ảnh hưởng bởi tiếp xúc với phân thuốc quá nhiều. Nay, được Tổ chức Phát triển Hà Lan và các đơn vị hướng dẫn quy trình sản xuất mới giảm phát thải với nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh chi phí giảm, năng suất tăng, chất lượng hạt gạo tốt thì nông dân còn bán được phụ phẩm từ rơm với giá 500.000 đồng/ha, thay vì phải đốt bỏ rơm trên đồng như ngày trước, gây ô nhiễm”. Theo ông Nguyễn Thành Nguyên, dù số tiền thưởng 200.000 đồng/ha lúa giảm phát thải chưa phải cao, nhưng đây là bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Ông Tôn Thanh Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa Tân Lợi (xã Tân Công Sính), nhìn nhận: “Nếu như lúc đầu bà con lo lắng khi chưa hiểu về lúa giảm phát thải, nhưng chỉ sau 1 vụ canh tác thành công và còn được tiền thưởng từ tổ chức quốc tế khiến nhiều hộ vô cùng phấn khích. Năm 2025 này, hầu hết các thành viên trong tổ hợp tác với khoảng 20 người đều đăng ký tham gia”.

Tại An Giang và Kiên Giang nhiều nông dân cũng phấn chấn khi trồng lúa giảm phát thải được tiền thưởng. Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Dù chỉ mới thực hiện vụ đầu tiên ở hợp tác xã với 50ha, có 25 thành viên tham gia. Tuy nhiên, ai cũng thấy được nhiều tín hiệu tích cực từ việc ứng dụng các loại máy móc cơ giới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; cộng với quy trình quản lý rơm rạ, nước tưới, phân bón… vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Có thể nói, mô hình này ít chi phí, lợi nhuận tăng, còn được tiền thưởng nên nông dân rất thích”.

Ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, từ vụ lúa Thu đông 2024, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon đã phối hợp với một số doanh nghiệp có liên quan tổ chức triển khai mô hình “Canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ” với diện tích 18ha tại cánh đồng lớn của địa phương.

Quy trình canh tác lúa thông minh ướt - khô xen kẽ có tổng thời gian giữ ruộng ướt là 47 ngày và 53 ngày khô. Trong đó, nông dân chia thành 4 lần lấy nước vào ruộng và 5 lần xả nước ra. Ở giai đoạn từ 85 ngày sau sạ, bà con xả nước khô tự nhiên, xiết nước 10-14 ngày trước khi thu hoạch để mặt ruộng được khô ráo, nâng cao phẩm chất gạo và thuận lợi cho việc sử dụng máy móc khi thu hoạch. Theo đánh giá của kỹ sư hướng dẫn mô hình thì lượng khí phát thải ra môi trường bị ảnh hưởng bởi thời gian khô ướt trên ruộng. Nếu quá trình canh tác, thời gian khô kéo dài, lượng khí phát thải sẽ thấp hơn. Trong quá trình thực hiện mô hình, các doanh nghiệp có tham gia sẽ hỗ trợ người dân quan trắc, đo đạc, đánh giá và báo cáo thẩm định lượng giảm phát thải khí nhà kính từ cây lúa, đồng thời chịu trách nhiệm vận hành hệ thống vệ tinh để theo dõi và chụp ảnh toàn bộ quá trình phát triển của ruộng lúa.

Việc canh tác đúng theo quy trình ướt - khô xen kẽ, kết hợp với bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo giúp bà con giảm được lượng phát thải từ 3,5-4 tấn/ha/vụ lúa. Khi kết thúc vụ sản xuất lúa, ngoài bán hạt lúa chất lượng cao thì nông dân còn có nguồn thu nhập từ việc bán tín chỉ các-bon nhờ canh tác giảm phát thải khí nhà kính.  

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hậu Giang, mô hình trồng lúa giảm phát thải được triển khai thí điểm tại một số HTX trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Các mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người trồng lúa, người tiêu dùng và môi trường.

Mô hình lúa giảm phát thải ở HTX Tân Long, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: H.THU

Mô hình “đa mục tiêu”

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại ĐBSCL” (gọi tắt TRVC) do bộ phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Hà Lan triển khai trong 5 năm (2023-2027), với tổng tiền thưởng lên đến 57 tỉ đồng (của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tài trợ). Đây được xem là mô hình “đa mục tiêu”, khi vừa thay đổi từ phương thức canh tác truyền thống của nông dân sang hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm tối đa vật tư đầu vào để tăng lợi nhuận; đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Bà Trần Thu Hà, Giám đốc TRVC thuộc Tổ chức Phát triển Hà Lan, chia sẻ: Quy mô triển khai vụ đầu tiên vừa qua với khoảng 6.100ha, có hơn 1.720 nông hộ liên kết với 8 công ty lúa gạo để tham gia. Mục tiêu ban đầu của dự án trồng lúa giảm phát thải là lợi nhuận thu về từ 30% cho dù giá vật tư tăng cao, giá lúa có xu hướng giảm. Tuy nhiên, kết quả đạt được của nông dân tham gia dự án ở mức 59% so với giá thành sản xuất, cao hơn 29% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, những nông dân ở Đồng Tháp có lợi nhuận cao nhất là 64%, còn An Giang đạt 56% và Kiên Giang đạt 54%. Về môi trường, tất cả 8 công ty tham gia dự án đã thực hiện tốt quy trình sản xuất lúa bền vững; qua đó doanh nghiệp thấp nhất giảm được 3,7 tấn CO2 tương đương/ha, cao nhất là 7 tấn CO2 tương đương/ha so với canh tác truyền thống. Đồng thời giảm phát thải khí nhà kính ngay vụ đầu tiên hơn 27.162 tấn CO2 tương đương, trên diện tích 6.100ha. Từ bước khởi đầu rất ấn tượng đó nên 8 công ty liên kết với nông dân tham gia dự án vừa được trao thưởng hơn 3,18 tỉ đồng. Số tiền thưởng này được các công ty chia sẻ cho nông dân nhằm khuyến khích bà con tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam, cho rằng: “Canh tác lúa giảm phát thải đã mang lại ý nghĩa trên nhiều mặt và gắn kết hài hòa quyền lợi các bên. Đối với nông dân đã thay đổi nhận thức nhờ áp dụng quy trình canh tác mới, hiện đại; còn những cánh đồng thực hiện đã được xanh hóa, môi trường trong lành hơn. Tới đây, chúng tôi sẽ đăng ký mở rộng diện tích lên khoảng 21.000ha nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải”.

Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (tỉnh Đồng Tháp) cũng lưu ý, từ đầu năm 2025 đến nay tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới chịu sự cạnh tranh quyết liệt, trong khi xu thế tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Vì vậy, việc sản xuất gạo theo mô hình giảm phát thải gắn với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường sẽ là ưu thế lớn khi đưa sản phẩm ra thế giới. Do đó, sản xuất theo quy trình kỹ thuật của TRVC đưa ra sẽ là tiền đề trong xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải. Vấn đề lúc này là nâng cao năng lực của các hợp tác xã và tổ hợp tác nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nông dân cùng liên kết với doanh nghiệp để tham gia. Từ đó, lan tỏa mô hình canh tác lúa giảm phát thải đến nhiều nơi…

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới

Xem thêm

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, chủ rừng không thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

07:32 06/05/2025

(HG) - Đây là một trong những nội dung được Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) nhấn mạnh tại văn bản vừa được ban hành về yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại địa bàn được giao quản lý.

Nồng độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ đang tăng mạnh

07:31 06/05/2025

(HG) - Theo số liệu đo mặn từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang thì nồng độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ đang tăng mạnh.

Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

07:28 06/05/2025

Với nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại và sản phẩm chế biến đặc sắc, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) Hậu Giang đang khẳng định vai trò trung tâm đổi mới nông nghiệp, nơi đây không chỉ là “vườn ươm” công nghệ mà còn là điểm tựa cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Trụ cột chiến lược của ngành nông nghiệp

09:49 05/05/2025

Sau 7 năm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 6/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang khóa XIII, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Khu NNƯDCNC) đã và đang khẳng định vai trò là động lực phát triển nông nghiệp hiện đại của tỉnh.

Công nhận thêm 3 xã nông thôn mới nâng cao

08:29 05/05/2025

(HG) - Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận thêm 3 xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, gồm: xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy; xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh và xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A.

Hậu Giang có 100% số xã đạt tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

08:28 05/05/2025

(HG) - Qua rà soát của ngành chức năng tỉnh, hiện toàn tỉnh có 51/51 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Chung sức xây dựng nông thôn mới

08:27 05/05/2025

Sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Vị Thủy trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đã góp phần cho cơ sở hạ tầng nông thôn ở địa bàn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp,

Có hơn 100ha lúa Hè thu trong giai đoạn trổ chín

17:54 28/04/2025

(HGO) - Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 100ha lúa Hè thu trong giai đoạn trổ chín. Diện tích này chủ yếu tập trung ở những cánh đồng xuống giống sớm trên địa bàn huyện Châu Thành A và diện tích lúa trổ chín sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới. Theo đánh giá của bà con nông dân, hầu hết các trà lúa trong

Tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

17:44 28/04/2025

(HGO) - Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang vừa giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phố hợp với các đơn vị liên quan chủ động tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cần quản lý rơm rạ hiệu quả để tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải

09:18 25/04/2025

(HG) - Sáng ngày 24-4, tại Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) và Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức sự kiện “Giải pháp quản lý rơm rạ trên đồng ruộng kết hợp cơ giới hóa nhằm cải thiện sức khỏe đất và giảm phát thải trong

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Xét đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao

10:53 07/05/2025

(HGO) – Sáng ngày 7 - 5, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh họp xét đề nghị khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích cao trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và có quá trình cống hiến.

Bước tiến quan trọng trong thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

10:19 07/05/2025

Tại thảo luận tổ đóng góp ý kiến Dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH, CN, ĐMST), ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành đạo luật trên, điều này đã kịp thời luật hóa các nội dung quan trọng của Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị

Nhiều hiệu quả từ ứng dụng công nghệ 4.0 vào phòng cháy, chữa cháy rừng

09:12 07/05/2025

(HG) - Hiện cán bộ kiểm lâm tỉnh được trang bị một thiết bị bay không người lái, đồng thời nhiều chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt camera quan sát nhằm phục vụ công tác PCCCR.

Phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh

09:10 07/05/2025

Hơn 6 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2019-2025”, nhiều hội viên phụ nữ ở huyện Long Mỹ đã mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.