Đảm bảo tính khoan hồng khi áp dụng án treo

28/03/2024 | 09:24 GMT+7

Việc xét xử cho bị cáo được hưởng án treo thể hiện tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật. Bản án treo sẽ tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo ngoài cộng đồng, nhưng vẫn đảm bảo tác dụng giáo dục, răn đe người phạm tội.

Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án một vụ án có áp dụng án treo đối với bị cáo.

Theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018 và 01/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo bao gồm: bị xử phạt tù không quá 3 năm; có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…

Trên thực tế, đa số các bị cáo được hưởng án treo chủ yếu là phạm các tội danh ít nghiêm trọng như: vi phạm về quy định khi tham gia giao thông, trộm cắp tài sản, đánh bạc… Trong đó, một số đối tượng do tính chất phạm tội ít nghiêm trọng nên ngay từ cấp xét xử sơ thẩm đã được hưởng án treo theo quy định của pháp luật.

Đơn cử như bị cáo Cao Văn Bình (sinh năm 2003, ngụ thị trấn Một Ngàn) đã được Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, trưa ngày 26-8-2023, Bình điều khiển xe mô tô đi một mình trên tuyến Đường tỉnh 931B để bán vé số. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, Bình phát hiện xe mô tô nhãn hiệu Vario biển kiểm soát 95H1-629.01 đang đậu trước nhà bà T., ở xã Nhơn Nghĩa A, nên nảy sinh ý định trộm cắp.

Bình sau đó đến trụ sở UBND xã Nhơn Nghĩa A để đậu xe trong sân, rồi đi bộ quay lại nhà bà T. lén dẫn chiếc xe mô tô đang đậu tại sân nhà bà T. đi được khoảng 15m thì bị người dân phát hiện nên truy hô, bắt giữ.

Với tội danh trộm cắp tài sản, tháng 1-2024, Bình đã bị TAND huyện Châu Thành A tuyên phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo. Hội đồng xét xử nhận định Bình thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt… nên cho bị cáo được hưởng án treo.

Cũng có những vụ án khi xét xử sơ thẩm, bị cáo bị xử án tù giam, nhưng sau khi kháng cáo lên cấp phúc thẩm thì được chuyển sang án treo bởi bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Tháng 12-2023, TAND tỉnh chuyển hình phạt tù đối với bị cáo Phan Thị Mỹ Xuyên (ngụ huyện Vị Thủy) phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ từ 2 năm tù giam sang 2 năm tù cho hưởng án treo.

Cụ thể, ngày 25-9-2022, tại một tuyến đường thuộc phường I, thành phố Vị Thanh, bị cáo Xuyên có hành vi điều khiển xe mô tô không quan sát, chạy với tốc độ cao nên đã tông vào xe mô tô do chị H. điều khiển chở theo bà B., hậu quả khiến bà B. tử vong. Tháng 9-2023, bị cáo Xuyên bị tuyên phạt 2 năm tù giam, nhưng sau đó được cấp phúc thẩm chuyển sang án treo.

 Nguyên nhân là bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và tình tiết mới như: bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, đã bồi thường toàn bộ thiệt hại, tại phiên tòa phúc thẩm gia đình bị hại có đơn xin cho bị cáo được hưởng án treo...

Theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, theo Nghị quyết số 02/2018 và Nghị quyết số 01/2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, việc cho bị cáo được hưởng án treo là chế định thể hiện tính nhân văn và khoan hồng của pháp luật. Điều này nhằm giúp người phạm tội có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, tự cải tạo, tự sửa chữa.

“Trong đó, các quy định nói trên được áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá 3 năm, không buộc họ phải chấp hành hình phạt tù khi có đầy đủ những căn cứ và điều kiện nhất định do pháp luật hình sự quy định nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Đồng thời cũng cảnh cáo họ, nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì án tù treo sẽ bị chuyển sang án phạt giam”, luật sư Hùng cho biết thêm.

Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tỉnh, trong thời gian qua, việc xét xử vụ án hình sự cho hưởng án treo của TAND 2 cấp nhìn chung đảm bảo đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Số lượng án treo bị cấp phúc thẩm chuyển sang án giam chiếm tỷ lệ thấp. Số vụ án tòa cấp phúc thẩm chuyển từ tù giam sang án treo hầu hết đều do có tình tiết mới và đáp ứng các điều kiện về việc cho hưởng án treo theo quy định.

Tuy nhiên, việc áp dụng án treo đôi khi vẫn còn một số vướng mắc như: nhận thức và áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng đôi khi còn chưa thống nhất; các quy định pháp luật tuy chặt chẽ nhưng vẫn còn một số bất cập, chồng chéo lẫn nhau…

Ông Trương Đình Nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thông tin, thời gian tới tòa án 2 cấp sẽ tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, rút kinh nghiệm chung để thẩm phán nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn trong công tác xét xử, trong đó có việc áp dụng án treo. Ngoài ra, phối hợp với cơ quan tố tụng cùng cấp thống nhất việc áp dụng pháp luật để ban hành các bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng vẫn đảm bảo tính khoan hồng, giáo dục, răn đe đối với người phạm tội.

Quy định về án treo trong Bộ luật Hình sự

Theo Điều 65, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

 Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2 lần trở lên, thì tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự.

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>