Quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội

01/02/2018 | 08:39 GMT+7

Cùng với các quyền con người về dân sự và chính trị, các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội được Nhà nước bảo hộ bằng nhiều quy định cụ thể. 

Quyền có việc làm và lao động là quyền con người cơ bản của công dân.

Quyền sở hữu

Quyền sở hữu là một trong những quyền quan trọng, được ghi nhận tại Điều 32 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Đồng thời, Điều 32 Hiến pháp cũng khẳng định: “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.

Bên cạnh đó, việc quy định rõ hơn về sở hữu tư nhân trong Hiến pháp năm 2013, trong đó có việc mở rộng chủ thể của quyền này từ “công dân” sang “mọi người” đã đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, khi mà các thể nhân, pháp nhân nước ngoài có mặt làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều tại Việt Nam.

Quyền sở hữu cũng được cụ thể hóa tại các văn bản luật và dưới luật. Điều 163, Bộ luật Dân sự năm 2015 khẳng định quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ, không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất cứ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình; yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 169, 170 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Quyền tự do kinh doanh

Đảm bảo quyền cho người dân được tự do kinh doanh là một trong những chính sách, chủ trương quan trọng của Nhà nước, phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ.

Quyền tự do kinh doanh đã được cụ thể hóa tại các luật và văn bản dưới luật có liên quan. Điều 7 và Điều 8 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 ghi nhận quyền tự do kinh doanh, gồm: Quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư; hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; chủ động mở rộng quy mô ngành, nghề kinh doanh; tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh; được Nhà nước khuyến khích ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích; chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

Với những chính sách tạo thuận lợi cho người thực hiện quyền tự do kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đã không ngừng phát triển và gia tăng trong những năm qua. Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 70.000 doanh nghiệp thành lập mới và đi vào hoạt động. Riêng trong năm 2017, đã có 126.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Quyền có việc làm và phát triển thị trường lao động

Với khoảng 54,48 triệu người trong độ tuổi lao động, để phát triển thị trường lao động và tạo việc làm, Nhà nước đã quan tâm củng cố hệ thống chính sách pháp luật về lao động và nâng cao hiệu quả các biện pháp triển khai trên thực tế.

Hiến pháp năm 2013 có các quy định cụ thể về lĩnh vực lao động, việc làm bao gồm các quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; quyền được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi, đồng thời nghiêm cấm việc phân biệt, cưỡng bức lao động, sử dụng công nhân dưới độ tuổi lao động tối thiểu (Điều 35 Hiến pháp năm 2013), phù hợp với các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này như quy định tại Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Bên cạnh Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Việc làm, Việt Nam đã thông qua Luật An toàn vệ sinh lao động và đang tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn, và hướng đến xây dựng mới Luật Tiền lương tối thiểu. Đồng thời, theo quy định hiện nay, người lao động thất nghiệp sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc đã thực hiện từ năm 2009 đến nay.

Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 16-12-1966, Công ước quy định các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa tại phần III, từ Điều 6 đến Điều 15, bao gồm các quyền cơ bản, như: Quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền được giáo dục, quyền được hưởng điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, quyền được thụ hưởng mức sống phù hợp, quyền được tự do lập gia đình,… Việt Nam chính thức phê chuẩn công ước này vào ngày 14-9-1982.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>