Vay không trả, đòi thế nào là hợp pháp ?

19/01/2024 | 08:33 GMT+7

Cho vay tiền là một giao dịch dân sự phổ biến trong đời sống. Thế nhưng, có nhiều trường hợp người vay cố tình không trả hoặc không có khả năng trả thì người cho vay phải làm gì để có thể thu hồi số tiền đã cho vay theo đúng pháp luật ?

Theo quy định của pháp luật, nếu quá thời hạn cho vay mà người vay không trả thì người cho vay có thể khởi kiện ra tòa.

Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 1.575 vụ việc tranh chấp về dân sự, trong đó 1.014 vụ là tranh chấp hợp đồng dân sự, nhiều trường hợp là hợp đồng vay tài sản giữa các bên. Thực tế, thời gian qua cho thấy, nền kinh tế phát triển có sự tác động rất lớn đến hoạt động vay vốn, cho vay; thông thường, khi vay mượn nợ số tiền lớn, người ta sẽ nghĩ đến việc vay từ các ngân hàng.

Thế nhưng, do nhiều thủ tục phức tạp, việc cấp vốn chậm, nên một số người chọn cách vay vốn làm ăn từ người thân, người quen hoặc những mối quan hệ ngoài xã hội. Khi vay mượn cá nhân sẽ được thực hiện thông qua các hình thức như: vay tín chấp giữa người cho vay với người vay và chỉ thiết lập giấy vay mượn tay đơn giản hoặc bằng lời nói với nhau.

Như trường hợp bà N.N.H. (ngụ xã Đông Phước A, huyện Châu Thành), theo giấy cho vay mượn nợ giữa bà H. với bà L.T.M. ngụ cùng địa phương thì đến trước tết âm lịch, bà M. phải thanh toán dứt điểm số tiền 20 triệu đồng và lãi cho bà H.

Tuy nhiên, do bà M. đang gặp khó khăn về tài chính nên bà M. thương lượng với bà H. thư thả cho bà đến qua tết sẽ thanh toán đầy đủ lãi và gốc. Trong khi bà H. lại muốn bà M. trả nợ và gốc trước tết để bà chi tiêu. Do bà M. muốn kéo dài thời gian trả nợ, còn bà H. muốn trả nợ đúng hạn, nên đôi bên có lời lẽ qua lại không hay với nhau.

Theo luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Điều 463, Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Mặt khác, hợp đồng vay có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Luật gia Mạnh cho biết thêm, về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, Điều 466 Bộ luật Dân sự đã quy định bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

“Nếu quá thời hạn cho vay mà người vay không trả thì người cho vay có thể khởi kiện ra tòa án nơi bị đơn - tức người vay tiền cư trú để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp tòa án đã ra phán quyết nhưng người vay tiền vẫn không trả được số tiền đã mượn thì người cho vay có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thi hành bản án, nghĩa là tìm hiểu người vay tiền có tài sản ở đâu để thực hiện các biện pháp cưỡng chế, cũng như phong tỏa tài sản, thu hồi khoản nợ cho chủ nợ”, ông Mạnh cho biết.

Còn theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, trong một số trường hợp vay nợ có các dấu hiệu vi phạm pháp luật có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, khi có căn cứ chứng minh có yếu tố hình sự như người vay cố tình không trả mặc dù có điều kiện, người vay đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, hay người vay bỏ trốn…, bên cho vay có thể làm đơn tố giác tội phạm về hành vi của người vay có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự hoặc có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, thực tế cho thấy, không phải trường hợp nào cũng có thể xử lý hình sự. Bởi có trường hợp nhiều người thiếu nợ lấy lý do làm ăn thua lỗ để trì hoãn việc trả nợ, trường hợp này khó xác định là vi phạm giao kết dân sự hay có dấu hiệu hình sự. Với những vụ việc này, khi nạn nhân có đơn yêu cầu, cơ quan công an mới kiểm tra chứng cứ, nếu không có yếu tố phạm tội thì người cho vay phải khởi kiện ra tòa dân sự để đòi lại tài sản.

“Có một số vụ người cho vay dù khởi kiện và thắng kiện nhưng khi thi hành án thì không có điều kiện thi hành, hoặc thi hành được thì số tiền thu lại cũng rất ít vì con nợ đã tẩu tán hết tài sản. Do đó, tôi cho rằng người dân nên cẩn trọng khi cho vay, mượn tài sản, cần hiểu rõ đối tượng cho vay mượn và khả năng chi trả để tránh các rắc rối pháp lý có thể phát sinh”, luật sư Hùng khuyến cáo.

Bài, ảnh: BẢO BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>