Nâng cao mặt bằng dân trí là yêu cầu cấp thiết cho khu vực ĐBSCL

28/02/2023 | 10:23 GMT+7

(HG) - Tại thành phố Cần Thơ, ngày 27-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang…

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị các tỉnh, thành ĐBSCL tập trung vào vấn đề cấp bách là vấn đề rà soát, sắp xếp hoàn thiện mạng lưới, kiên cố hóa trường học, đầu tư trang thiết bị phòng học bộ môn đầy đủ cho từng trường. Đặt mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí là yêu cầu cấp thiết cho khu vực, để giảm tỷ lệ người mù chữ của vùng xuống thấp nhất, ưu tiên phát triển giáo dục bậc đại học, đẩy mạnh tỷ lệ sinh viên/vạn dân. Đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, tập trung phối hợp các bộ, ngành có giải pháp cụ thể để đầu tư, chăm lo, thúc đẩy giáo dục địa phương phát triển; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đầu tư chính sách cho giáo dục cụ thể, tập trung đổi mới giáo dục để vươn cao cùng cả nước, cùng với đó là củng cố, bù đắp cho những nền tảng cơ bản (thu hút học sinh đến trường, đầu tư cơ sở vật chất, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học…). Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với tiến bộ khoa học và công nghệ, phù hợp quy luật khách quan; chú ý đến giáo dục dân tộc…

Theo báo cáo đánh giá kết quả 10 năm qua, chất lượng giáo dục các tỉnh vùng tăng lên thấy rõ. Quy mô mạng lưới trường lớp ngày càng kiện toàn, toàn vùng có khoảng 92.912 phòng học các cấp mầm non, phổ thổng công lập (kiên cố 75.746 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 81,5%); toàn vùng có 17 trường đại học, trong đó có 6 trường đại học ngoài công lập, Chương trình Mê Kông 1.000 đến nay đào tạo hơn 500 tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cấp học mầm non, mẫu giáo cao hơn trung bình cả nước. Năm 2021, 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đã có 10/13 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 88% cơ sở giáo dục và 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ học sinh vùng tốt nghiệp THCS đứng thứ 3 trong cả nước, tốt nghiệp THPT đứng thứ nhì cả nước. Tuy nhiên, ở cấp tiểu học và THCS, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lại thấp hơn trung bình chung cả nước, vẫn còn tồn tại 1.279 phòng học nhờ, mượn (tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học); tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, trung bình của vùng chỉ đáp ứng khoảng 46,4%; tỷ lệ người mù chữ còn cao (tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi 15-35 tuổi là 97,6% còn thấp hơn so với tỷ lệ biết chữ trung bình của cả nước); học sinh bỏ học còn cao...

Dịp này, đại biểu có nhiều ý kiến, đề xuất cần có giải pháp đảm bảo đủ giáo viên trên lớp học, việc dồn ghép các điểm trường phụ về điểm chính cần khoa học và hiệu quả hơn; tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; có giải pháp tuyển dụng giáo viên theo cơ chế đặc thù riêng để thu hút giáo viên thiếu ở môn tin học, tiếng Anh, âm nhạc, phụ cấp ưu đãi đặc thù cho giáo viên mầm non, hướng dẫn dạy văn hóa ở các trường nghề…

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>