Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Khẳng định giá trị trường tồn

28/02/2023 | 18:22 GMT+7

Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 đến hôm nay tròn 80 năm vẫn còn nguyên giá trị. Những bài học về phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tạo động lực đưa dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong hành trình phát triển, đã được khẳng định qua từng giai đoạn.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được Hậu Giang quan tâm tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền.

Mang ý nghĩa lịch sử,ý nghĩa thời đại

80 năm trước, Đảng ta ban hành bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023). Đây được xem là văn kiện mang tầm Cương lĩnh, là sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vạch ra phương hướng phát triển cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật theo 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đề cương ra đời trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đứng trước tình thế bị phát xít, thực dân, phong kiến đồng hóa. Chủ trương của Đảng là làm sao để người dân, đặc biệt giới văn nghệ sĩ, trí thức hiểu được tai họa mà thức tỉnh, góp sức chống lại để giữ gìn văn hóa dân tộc.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia chủ đề “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển”, Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận với các nội dung: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước giai đoạn mới. Đã có 1 báo cáo trung tâm và 173 tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước.

Đây là hoạt động rất ý nghĩa để tôn vinh, nhận thức rõ hơn về giá trị lịch sử, chính trị, khoa học và tầm vóc thời đại về sự ra đời của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng và kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng như bài phát biểu quan trọng, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Từ đó, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để phát huy, tiếp tục tạo sự lan tỏa, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và khát vọng cống hiến của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nói chung, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ trí thức, văn - nghệ sĩ cả nước nói riêng; tuyên truyền sâu rộng tới các ngành, các cấp, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và giới thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.

Xây dựng thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam

Tại hội thảo, đại biểu nghiên cứu, làm rõ và nhận thức sâu sắc thêm các giá trị cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương trong tình hình mới, bởi đó chính là nền tảng để quan điểm, tư duy, đường lối của Đảng về văn hóa ngày càng đổi mới, hoàn thiện và phát triển.

Trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương về Văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, các tác giả tham luận có đề xuất, kiến nghị một số cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa hiện nay. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã nhìn nhận một số hạn chế trong quá trình vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo cho con người có nhân cách, lối sống đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong Nhân dân. Do đó, phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Nghiên cứu hệ giá trị con người Việt Nam để xây dựng, phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung phát triển các loại hình nghệ thuật, từ đại chúng đến bác học; phát huy tối đa vai trò của Nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo và phát triển văn hóa; bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ.

Xây dựng nền văn hóa số thích ứng với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số cũng là vấn đề được các học giả, nhà nghiên cứu đề cập. Khai thác kinh tế sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo để tạo ra kinh tế số, kinh tế xanh đang là xu hướng lớn được các quốc gia sử dụng nhằm gia tăng sức mạnh mềm, từ đó tạo ra các lợi thế về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, âm nhạc, phát thanh và truyền hình, xuất bản, phần mềm và các trò chơi trực tuyến; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế...

Các đại biểu đều nhất trí rằng: Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã hình thành nên một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, thể hiện phẩm chất, khí phách của con người Việt Nam. Từ cội nguồn sâu thẳm văn hóa đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, tạo nên sức mạnh của dân tộc. Tiếp nối truyền thống đó, Đảng ta đã xây dựng Đề cương mang tầm nhìn chiến lược và ngày nay, đã tiếp tục với quan điểm phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm, là mục tiêu của phát triển văn hóa.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: Sau hội thảo, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa, tạo hành lang pháp lý để khơi thông mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Tập trung thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76-KL/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, sâu sắc, toàn diện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện đồng bộ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Song song đó, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước cho phát triển văn hóa. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Coi trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế, phát huy vai trò chủ thể, là trung tâm của con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc...

“Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan”

 

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hóa mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

    Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>