Khi thư viện đi tìm... độc giả !

20/02/2023 | 11:17 GMT+7

Trong xu hướng ngày càng ít người tìm đọc sách trực tiếp tại thư viện, việc đi tìm độc giả là cách hiệu quả để thư viện có thể phát huy vốn sách, lan tỏa thói quen đọc sách trong cộng đồng.

Đưa những chuyến xe ô tô lưu động đa phương tiện đến trường học, mô hình hiệu quả Thư viện tỉnh đang triển khai.

Mô hình hiệu quả

Thư viện tỉnh Hậu Giang đã tạo được bước đột phá, khi thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, đặc biệt là học sinh các trường học trong tỉnh. Hàng chục chuyến đi mỗi tháng trên chuyến xe ô tô lưu động đa phương tiện, vừa phục vụ hàng trăm quyển sách để bạn đọc đọc tại chỗ, vừa khai thác internet, chiếu phim hay phù hợp với học sinh. Hàng ngàn học sinh bày tỏ sự hứng khởi với mô hình này, tạo động lực cho những người làm công tác chuyên môn có thêm niềm tin để tiếp tục lan tỏa tình yêu sách đến với mọi người. Ông Châu Thành Được, viên chức Thư viện tỉnh, chia sẻ: “Thấy các em học sinh háo hức, tôi rất vui. Bạn đọc không có nhiều thời gian tìm đến thư viện, thì mình mang sách tận nơi để phục vụ. Dù cực, nhưng đây là một cách hay, hiệu quả”.

Cùng với mô hình phục vụ lưu động, Thư viện tỉnh đã tiếp tục phát huy một số mô hình khác như tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Thiếu nhi “Chúng em yêu sách” định kỳ 2 lần/tháng với nhiều hoạt động vẽ tranh, tô màu tranh vẽ, trò chơi về sách; tiếp tục thực hiện mô hình “Tủ sách sẻ chia”: thành lập tủ sách từ bạn đọc tặng, để chia sẻ, bạn đọc được mang sách về nhà để nghiên cứu. Vận động các tổ chức, cá nhân tặng sách lại cho tủ sách “sẻ chia” nhằm lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng với phương châm “Hãy cho đi và nhận lại”. Mô hình “Tủ sách Bác Hồ”,  “Gởi trao tri thức”, để phục vụ bạn đọc theo yêu cầu, theo địa chỉ...

Từ sự nỗ lực đó, năm qua, hệ thống thư viện công cộng tỉnh đã phục vụ gần 823.000 lượt, đạt trên 100% kế hoạch. Trong đó, Thư viện tỉnh phục vụ trên 160.000 lượt bạn đọc và thư viện cơ sở là trên 662.000 lượt.

Phát huy mô hình hiệu quả, tích cực chuyển đổi số

“Năm nay, tỉnh có nhiều sự kiện lớn, nên chúng tôi đã chuẩn bị để phục vụ bằng những đợt triển lãm sách tại chỗ và lưu động; phát huy những mô hình bước đầu đạt được thành công để mở rộng phạm vi phục vụ. Trước mắt sẽ có kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam vào tháng 4 tới, trong toàn hệ thống thư viện công cộng của tỉnh, đặc biệt có loạt hoạt động tạo điểm nhấn tại Thư viện tỉnh.

Cùng với đó là việc tổ chức tốt cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, tạo sân chơi và sự lan tỏa cho lực lượng học sinh, sinh viên trong tỉnh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”, bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Thư viện tỉnh, chia sẻ.

Song song với những việc trên, Thư viện tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành thư viện, số hóa và tăng cường bổ sung tài liệu, luân chuyển sách cho hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở, để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Tiếp tục phát huy trang thông tin điện tử và thư viện số, cập nhật, hệ thống lại kho sách địa chí để phục vụ bạn đọc tra cứu trực tuyến; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp dữ liệu phục vụ trang sách online của tỉnh...

Một thực tế, dù có nhiều cố gắng, nhưng hiện tại, việc thu hút độc giả với bất kỳ hình thức nào cũng gặp không ít khó khăn và việc xây dựng thói quen đọc sách là việc làm thường xuyên, không chỉ đơn vị chủ công là hệ thống thư viện, mà còn là sự quan tâm, phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan.

Thư viện tỉnh đang xây dựng kế hoạch để phối hợp với ngành giáo dục, tiếp tục có những giải pháp sát thực tế, để phát huy văn hóa đọc trong nhà trường, từng bước định hướng, xây dựng cho các em thói quen đọc sách, trau dồi tri thức, khai sáng tâm hồn, góp phần làm hành trang để tự tin bước vào cuộc sống...

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>