Luôn tạo điều kiện cho văn - nghệ sĩ sáng tạo

10/04/2023 | 06:27 GMT+7

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì đợt khảo sát về triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới chuẩn bị tổng kết 15 năm, nhận định chung là các cấp, các ngành luôn tạo mọi điều kiện cho văn - nghệ sĩ sáng tạo.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở Hậu Giang được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển.

Triển khai hiệu quả

Ông Lê Công Lý, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: Không chỉ kiểm tra kết quả thực tế tại địa phương, đoàn khảo sát kiểm tra quá trình triển khai thực hiện bằng chương trình, kế hoạch cụ thể; công tác tuyên truyền bằng những số liệu minh chứng. Qua đó, không chỉ văn - nghệ sĩ, cán bộ, công chức, viên chức, mà cả Nhân dân phải hiểu, để cùng nhau giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xu thế hội nhập, phát triển, có sự giao thoa. Thực tế cho thấy các địa phương có sự quan tâm đồng bộ, triển khai với nhiều hình thức.

Mỗi địa phương có những cách tuyên truyền để nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo động lực và sự phát triển đồng bộ. Bà Nguyễn Thị Kim Xuyên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Ngã Bảy, cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền sâu rộng, đa dạng hình thức, 15 năm qua, chúng tôi còn chỉ đạo tập trung nguồn lực để tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển; đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng hoàn thiện; xây dựng, tạo điều kiện cho văn - nghệ sĩ ở địa phương phát huy, thể hiện tình yêu và trách nhiệm với quê hương bằng việc đóng góp, cống hiến bằng ý thức, trách nhiệm, tài năng”.

Thành ủy, UBND thành phố Ngã Bảy còn chỉ đạo ngành văn hóa và thông tin thành phố chủ động phối hợp xây dựng và phát huy hệ thống các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, đờn ca tài tử; hướng dẫn các xã, phường thành lập mới các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ tùy theo điều kiện địa phương. Thành phố có 72 văn nghệ sĩ, 8 câu lạc bộ đờn ca tài tử với 52 nghệ nhân, trong đó có 4 nghệ nhân ưu tú… Họ đang hoạt động tích cực, góp phần tạo điểm nhấn cho phong trào ở địa phương. Thành phố tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vừa nâng cao đời sống tinh thần, môi trường sống lành mạnh. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, phát huy phong trào văn nghệ quần chúng, củng cố đội ngũ cộng tác viên, để phát huy công tác tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa. Đây cũng là cách làm của các địa phương khác, từng bước tạo điều kiện phát huy, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, khơi nguồn cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, phát hiện và chăm bồi các hạt nhân, làm nòng cốt cho phong trào ở cơ sở, bổ sung lực lượng kế thừa cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật của tỉnh.

Công việc lâu dài

Việc quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm phong trào văn nghệ, nghệ thuật quần chúng phát huy, nâng chất dần trình độ chuyên môn được thể hiện cụ thể qua từng hội thi, hội diễn, các cuộc thi sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đa phần những văn - nghệ sĩ của tỉnh hiện tại đều trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Nghệ nhân Thanh Nhanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng, được tạo điều kiện tham gia nhiều hội thi, hội diễn, nhất là đờn ca tài tử, nên tôi được trau dồi kỹ năng ca, diễn. Với vai trò nòng cốt, tôi càng ý thức trách nhiệm của mình hơn, luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để phát huy phong trào đờn ca tài tử ở địa phương, vừa tìm kiếm và phát huy hạt nhân mới”.

Trưởng thành từ cán bộ văn hóa xã hội ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, nhà thơ Trần Đông cho biết: Được địa phương tạo điều kiện, ông luôn nỗ lực từng ngày để hoàn thiện mình. Những chuyến đi thực tế, ông luôn tìm kiếm sự đổi thay, nét đẹp của làng quê để sáng tạo nên những câu thơ gởi gắm nhiều tâm tư, tình cảm. Hay tác giả Văn Tám, ở huyện Châu Thành A, cũng là một cán bộ văn hóa xã hội, yêu thích sáng tác bài vọng cổ, ông mày mò học hỏi và viết, ban đầu là viết để phục vụ cho hội thi, hội diễn ở cơ sở, rồi dần dần dự thi cấp huyện, tỉnh. Giờ, ông mạnh dạn tham dự các cuộc thi sáng tác ngoài tỉnh. Những bài vọng cổ của ông là sự ngợi ca quê hương đổi thay, ước vọng về sự phát triển tiếp theo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, nét văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy...

Xây dựng và phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật, tạo điều kiện nâng tầm đội ngũ văn - nghệ sĩ là công việc lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm đồng bộ của các ngành, các cấp và sự nỗ lực của chính những người trong cuộc. Từ một nghị quyết lớn, với sự quan tâm đồng bộ, đã phát huy sức mạnh, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ văn - nghệ sĩ ngày càng lớn mạnh, giữ gìn và phát huy văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>