Nặng nợ đờn ca

17/04/2023 | 07:56 GMT+7

Gần 60 tuổi với hơn 40 năm gắn bó với cải lương, tài tử, Nghệ nhân Ưu tú Minh Của (Trần Văn Của), ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, vẫn đang dốc sức góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.

Anh bày tỏ rất vui và vinh dự khi vừa được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Từng theo đoàn hát để thỏa đam mê

Hẹn gặp anh vào một buổi chiều, khi anh đang chuẩn bị sân khấu cho buổi sinh hoạt tài tử của hơn 10 thành viên trong câu lạc bộ đờn ca tài tử do anh thành lập và duy trì hơn 10 năm nay. Vừa làm những việc cần thiết, vừa chia sẻ về câu chuyện gắn đời mình với nghiệp đờn, ca, anh nói: “Gia đình tôi hổng có ai theo nghề này, nhưng tôi mê lắm, mê từ nhỏ, bỏ học nửa chừng để theo đoàn hát mà đâu được hát chính, nên quyết tâm tập luyện để giọng hát ngày một tròn trịa hơn. Rồi tôi trở về quê, làm công tác văn nghệ ở địa phương, tập hợp anh em xây dựng nên câu lạc bộ đờn ca tài tử này”. Anh nói ngắn gọn về hành trình tự học để có thể hát hay, đờn giỏi của mình, nghe nhẹ tênh nhưng là một khoảng thời gian dài đằng đẵng đến vài chục năm, gần như dành cả thanh xuân của mình, cực khổ khó diễn tả bằng lời. Vậy mà anh vẫn cố gắng từng ngày một, để có thể thạo nghề, đơn giản ban đầu chỉ vì đam mê.

Lúc đầu, nghệ nhân Minh Của chỉ biết hát vọng cổ và những bài bản tài tử đơn giản. Anh từng tham gia thi hội thi tiếng hát nông dân, giọng ca cải lương của Cần Thơ, Bạc Liêu và nằm trong top 3. Rồi anh nghĩ, nếu chỉ hát, sẽ khó thể thể hiện bài ca tốt nhất, mà phải biết đờn, để trước hết là tự tập cho mình, sau nữa là có thể làm nghề tay trái khi cần, nên thời gian đi theo các đoàn hát học việc, rồi trở về địa phương, anh tìm tòi nghiên cứu và tự học. Lúc đầu là đờn ghi-ta phím lõm, khi đã rành, anh học thêm các loại nhạc cụ khác như tranh, sến, organ... Và anh đã chọn nhạc công làm nghề chính, cũng là cách để có thể chăm lo kinh tế cho gia đình của mình. Có một khoảng thời gian, anh đờn phục vụ văn nghệ tại Khu du lịch Tây Đô. Thời gian này, anh cũng làm quen với bếp trưởng ở đây và học hỏi, để sau đó, mở dịch vụ nấu ăn phục vụ đám tiệc ở địa phương. Lúc này, nghề đờn của anh có đất dụng võ, anh vừa nấu ăn, vừa đờn phục vụ. Công việc giúp anh có thu nhập ổn định, có điều kiện chăm chút cho gia đình đủ đầy hơn.

Cuộc sống dần ổn định, anh càng có thêm nhiều điều kiện để phát huy niềm đam mê tài tử của mình.

Thắp truyền tình yêu đờn ca tài tử

Hơn 10 năm trước, Câu lạc bộ đờn ca tài tử Song Phụng, trực thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao, nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Phụng Hiệp, ra đời. Anh làm chủ nhiệm và cùng với địa phương tập hợp những người đam mê tài tử để sinh hoạt, vui chơi thỏa đam mê. Anh còn mở câu lạc bộ đờn ca tài tử mang tên mình ngay tại nhà, để có thêm cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với những người cùng sở thích. Câu lạc bộ của anh vẫn được duy trì và sinh hoạt đều đặn tuần 3 buổi tối. Nơi đây luôn là nơi để những người yêu đờn ca tài tử tìm về, để cùng nhau hòa đờn, hòa ca, cùng nhau thắp truyền và lan tỏa môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Niềm hạnh phúc nhân lên, khi vừa qua, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Anh chia sẻ vui không gì có thể diễn tả. Nhưng gắn với niềm vui là trách nhiệm càng nặng nề hơn. Không thể tham gia tài tử chỉ thỏa mãn đam mê như trước đây, mà giờ, anh phải tích cực truyền nghề, phát hiện và chăm bồi những hạt nhân mới, để bổ sung cho lớp nghệ nhân trẻ, làm nòng cốt cho phong trào đờn ca tài tử ở cơ sở, vừa đủ sức gánh vác việc truyền nghề tiếp theo.

Điều trăn trở của anh là giờ ít người trẻ mê tài tử, nên việc tìm kiếm và truyền nghề cần phải tích cực, sáng tạo, đa dạng hình thức, để khơi gợi niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc cho mọi người. Anh biết là không dễ, nhưng với niềm tin và trách nhiệm, anh sẽ tiếp tục đến khi nào sức khỏe không cho phép!

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>