NNƯT Phan Hữu Đức: Đam mê tài tử được truyền từ cha

17/02/2023 | 08:21 GMT+7

Trong danh sách 10 nghệ nhân của tỉnh Hậu Giang được công nhận nghệ nhân ưu tú (NNƯT), có tác giả Phan Hữu Đức, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp. Hôm chúng tôi tìm gặp, ông vẫn chưa hết niềm vui và chia sẻ nhiều câu chuyện về cuộc đời gắn với đờn ca tài tử của mình.

Được tiếp lửa từ cha...

Từ nhỏ, NNƯT Phan Hữu Đức được nghe những tiếng rao đờn ngọt lịm của ba mình, nghệ nhân đờn Tám Cưng sau những giờ nông nhàn, cùng những người bạn trong xóm gom lại đờn ca cho vơi nỗi cực nhọc, thỏa đam mê được đờn, được ca giai điệu ngọt lịm của quê hương. Những buổi theo ba đi đờn, ca đã thấm vào ông lúc nào không hay. Ông bắt đầu tập tành ca những bản vắn, câu vọng cổ đúng nhịp từ khi còn nhỏ. Niềm đam mê ấy lớn dần, nhưng ông không hát, cũng chẳng đờn mà tập tành sáng tác.

Khi 17, 18 tuổi, ông tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, làm thông tin lưu động và niềm yêu thích sáng tác lại được phát huy. Ông bắt đầu sáng tác những bài vọng cổ, trích đoạn cải lương để phục vụ cho việc tuyên truyền. Nghệ nhân Hữu Đức nhớ lại: “Hồi đó, chỉ viết theo cảm xúc về những đổi thay của quê mình, những chuyện mắt thấy, tai nghe, phản ánh sự thay da đổi thịt của quê mình. Tôi rất hay quan sát rồi ngồi suy nghĩ để cảm nhận và rút ra bằng những câu hát. Tôi muốn gởi gắm tình yêu, ước mơ của mình, về quê hương tươi đẹp, mong cuộc sống bình an và hạnh phúc đến với mọi người”...

Lúc đầu, ông sáng tác theo ngẫu hứng. Năm 1993, sau hơn 10 năm tham gia văn nghệ ở địa phương, ông được chọn tham gia trại sáng tác 3 tháng ở Cần Thơ. Lúc này, ông mới biết đến kiến thức về sáng tác, từ khái niệm của từng thể loại, cách tìm kiếm đề tài, nuôi dưỡng cảm xúc và viết. Ông bắt đầu viết mạnh tay hơn và nhiều bài ca cổ, trích đoạn cải lương, các bài bản tài tử ra đời, gắn sát với câu chuyện của quê mình. Tham gia nhiều năm, được những người làm văn hóa ở huyện Phụng Hiệp tin tưởng và chọn “đặt hàng” những tiểu phẩm để dự thi, ông tiếp tục nghiên cứu và tìm cách thể hiện sao cho rõ nét nhất, bám sát đề tài, chủ đề yêu cầu. Ông chia sẻ rằng: Dù viết theo cảm xúc, hay theo yêu cầu của địa phương, thì vẫn là câu chuyện về quê mình, nếu đi nhiều, quan sát và cảm nhận cuộc sống, sẽ thấy nhiều điều hay và thú vị để thể hiện, viết những tác phẩm ưng ý.

Ngoài việc chuyên sáng tác, ông còn có khiếu ca hát và hát vững nhịp các bài bản tài tử cũng như bài vọng cổ nhịp 16, nhịp 32... Từ đó, hơn 10 năm qua, ông còn được tin tưởng bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử Sông Phụng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tác, thuộc Trung tâm Văn hóa -Thể thao và Truyền thanh huyện Phụng Hiệp. Ông đã cùng thành viên câu lạc bộ tổ chức nhiều buổi sinh hoạt tài tử, đi thực tế sáng tác để tìm kiếm những đề tài hay từ cuộc sống, làm nòng cốt phát huy phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Trách nhiệm với bộ môn nghệ thuật của dân tộc

Nhắc đến đờn ca tài tử, nghệ nhân Hữu Đức vui vì cống hiến mấy mươi năm của mình đã được công nhận. Nhưng niềm vui ấy gắn liền với trách nhiệm nặng nề với câu chuyện phải làm sao để tạo sân chơi, xây dựng phong trào đờn ca tài tử ở địa phương để xây dựng thành các câu lạc bộ thật sự chất lượng, có nhiều lứa tuổi cùng tham gia. Ông trầm ngâm: “Các bạn trẻ ít biết về đờn ca tài tử. Bởi chuyện học hành cũng như có quá nhiều sân chơi khác, sôi nổi, hào hứng dành cho các bạn ấy. Nên việc chọn để sinh hoạt cùng chúng tôi là điều khó, trừ những bạn sinh ra trong gia đình có truyền thống. Ngay trong câu lạc bộ ở huyện Phụng Hiệp cũng như các câu lạc bộ ở xã, đa phần là người hơn 40 tuổi. Điều này làm cho tôi thấy lo và mong muốn trong thời gian tới sẽ khơi nguồn, tạo sân chơi, phát hiện và chăm bồi những nhân tố mới”.

Trăn trở, nhưng ông cũng hoàn toàn yên tâm vì mình không đơn độc trong hành trình truyền lửa. Những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã quan tâm nhiều đến việc phát huy đờn ca tài tử, bằng việc xây dựng đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử. Qua đó, đã tổ chức nhiều lớp tập huấn đờn, ca tài tử từ cơ bản đến nâng cao; xây dựng và củng cố hệ thống các câu lạc bộ đờn ca tài tử từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức liên hoan đờn ca tài tử cấp tỉnh hàng năm và tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc...

Nghệ nhân Hữu Đức tâm sự sẽ tiếp tục chuyên tâm sáng tác, tổ chức đa dạng các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử trong khả năng của mình, kết nối những người có cùng đam mê. Ông cũng sẽ tiếp tục truyền dạy nếu những ai yêu thích và muốn học. Có hiểu tài tử, mới thêm yêu, thêm quý và góp sức bảo tồn, phát huy bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Có hát đúng, đờn hay thì việc phát huy mới mang lại hiệu quả thiết thực. Muốn vậy, mỗi nghệ nhân như ông trong khả năng của mình, sẽ tiếp tục chung tay, góp sức, cùng xây dựng và thắp lửa cho phong trào đờn ca tài tử ở cơ sở, để tiếng đờn, lời ca tiếp tục vang xa.

Nghệ nhân ưu tú Phan Hữu Đức sáng tác và hát vững 20 bài bản tổ, bài vọng cổ. Những năm qua, ông sáng tác hơn 40 kịch bản sân khấu, bài ca cổ và đạt được nhiều giải thưởng hội thi tuyên truyền lưu động cấp huyện, tỉnh và các giải sáng tác ca khúc trong, ngoài tỉnh. Mới đây, bài “Em là mùa xuân của anh” đạt giải ba cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2023.

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>