Tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính từ chuyển đổi số

19/04/2024 | 07:38 GMT+7

Với mục tiêu tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền số, từ tỉnh đến cơ sở đang đẩy mạnh đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Người dân được hướng dẫn lấy số thứ tự tự động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Kết nối người dân với chính quyền bằng công nghệ

Có mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND thành phố Vị Thanh, nhìn hệ thống máy móc hiện đại, bố trí thuận tiện cho người dân đến giao dịch, cán bộ niềm nở nhiệt tình, người dân phần nào nhận thấy hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số của địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Thống, người dân ở phường III, chia sẻ: “Bây giờ đi làm thủ tục hành chính người dân chúng tôi không còn thấy... ngán như trước đây nữa, “một cửa” từ xã đến thành phố được trang bị máy móc rất hiện đại. Muốn tìm hiểu về thủ tục gì chỉ cần vào tra cứu máy tính, sẽ hiển thị các giấy tờ cần có”.

Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thành phố Vị Thanh còn đưa vào vận hành Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 (“ATM nhận và trả hồ sơ tự động”). Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trang thiết bị, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số của thành phố được đầu tư, nhất là tại bộ phận “một cửa” UBND một số xã, phường. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến ở các xã, phường đạt trên 98%, riêng từ đầu năm 2024 đến nay, qua thống kê từ các địa phương thì 100% hồ sơ được nộp trực tuyến”.

Không riêng thành phố Vị Thanh, các địa phương khác đều quyết liệt với nhiệm vụ trọng tâm này, dần lan tỏa và hiện thực hóa xây dựng chính quyền số, hướng đến Chính phủ số trong tương lai không xa.

Năm 2021, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh Hậu Giang (Trung tâm IOC) đưa vào hoạt động, đánh dấu một bước ngoặt mới trong chuyển đổi số của tỉnh. Trung tâm có chức năng hỗ trợ các cấp lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời, linh hoạt, chính xác, đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Qua đó phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.

Đặc biệt, chức năng phản ánh hiện trường trên ứng dụng di động app Hậu Giang, với hơn 86.000 lượt người dùng tải về đã tạo thêm điều kiện cho người dân gửi các phản ánh về Trung tâm IOC kèm theo hình ảnh ghi nhận tại hiện trường. Ngay lập tức toàn bộ thông tin này sẽ được Trung tâm IOC tỉnh tiếp nhận, phân loại nội dung và chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý.

Chị Nguyễn Thị Thoa, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Nếu trước đây, khi có vấn đề cũng không biết nên phản ánh với ai, nay có app Hậu Giang lên đây phản ánh vài ngày sau là được khắc phục rồi”.

Các kiến nghị của người dân khi được phản ánh qua app Hậu Giang được xử lý nhanh và đạt hơn 90%.

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số...

Hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, khoảng 3 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành hơn 23 quyết định, 28 kế hoạch và 1 chương trình để chỉ đạo, triển khai thực hiện thúc đẩy chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh.

Về hạ tầng số trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu địa phương (LGSP); ứng dụng di động Hậu Giang; hệ thống họp không giấy… Hiện tại, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình và đến 100% cấp xã đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Mạng 4G được triển khai 100% đến vùng sâu, vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và đã triển khai 2 trạm thu, phát sóng thông tin di động (5G).

Tỉnh đã xây dựng nền tảng kết nối LGSP cấp tỉnh và 6 hệ thống có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng LGSP cấp tỉnh bao gồm cổng dịch vụ công - hệ thống một cửa điện tử; cổng thông tin điện tử tỉnh; app Hau Giang; phần mềm quản lý văn bản; hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh; hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) gồm 4 dịch vụ: Quản lý văn bản, dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ trong đợt làm việc với các doanh nghiệp công nghệ số: “Về chính quyền số, hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh đã từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống quản lý trực tuyến, tổ chức đồng bộ từ tỉnh cho đến cấp xã các phần mềm, ứng dụng, triển khai Trung tâm dữ liệu của tỉnh, Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, Trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng được ổn định và thông suốt. Khi kết nối vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, góp phần rất lớn trong việc giảm bớt đi cái sự phiền hà của người dân”.

Gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có tỷ lệ ấp, khu vực được phủ băng rộng di động đạt 100%; tỷ lệ UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đạt 100%. Tỷ lệ người sử dụng internet đạt 80%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng cáp quang đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; 100% hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ ứng dụng IoT (khi có nhu cầu). 100% cơ quan, tổ chức nhà nước; 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số.

Hậu Giang định hướng sẽ có hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Hậu Giang hiện có 2 trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh đặt tại thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh.

Tỉnh đã cập nhật 236 dịch vụ công toàn trình; 1.203 dịch vụ công một phần lên Hệ thống thông tin - giải quyết thủ tục hành chính; tích hợp 1.182 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 100% cơ quan nhà nước tham gia hệ thống quản lý văn bản và điều hành; 100% văn bản giữa các đơn vị được ký số và chuyển hoàn toàn trên hệ thống; 100% xã, phường, thị trấn được trang bị hệ thống phòng họp trực tuyến, đảm bảo chất lượng họp trực tuyến ổn định...

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>