Chấn chỉnh tình trạng xây dựng sai phép, không phép

20/02/2023 | 18:31 GMT+7

Cùng với sự phát triển của các đô thị là nhu cầu rất lớn về xây dựng, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, tình trạng xây dựng sai phép, không phép vẫn còn tồn tại dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra xử lý.

Công tác quản lý trật tự xây dựng, nâng cấp độ được thành phố Vị Thanh đặc biệt quan tâm.

Mạnh tay xử lý

Hiện toàn tỉnh có 18 đô thị (1 đô thị loại II; 2 đô thị loại III; 15 đô thị loại V, trong đó có 4 đô thị loại V chưa được công nhận là thị trấn). Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2022 đạt 29,7%, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Theo Sở Xây dựng tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đô thị của tỉnh trong thời gian qua vẫn tồn tại, hạn chế, trong đó vẫn xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép; không tuân thủ quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị gây ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan đô thị, an ninh, trật tự xã hội.

Tại thành phố Vị Thanh, đô thị trung tâm, năng động của tỉnh nên công tác quản lý trật tự xây dựng đang được thành phố quan tâm thực hiện. Việc công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt, cắm mốc giới tại thực địa theo quy định được thực hiện nghiêm để mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát thực hiện theo quy hoạch.

Ông Huỳnh Thanh Phong, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền pháp luật trong hoạt động xây dựng; tăng cường tuần tra, rà soát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm theo quy định pháp luật. Đặc biệt là xem xét trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra vi phạm mà không xử lý hoặc không đề xuất xử lý kịp thời”.

Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 được Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh phê duyệt, Thanh tra Sở tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đồng thời duy trì đảm bảo thường xuyên kiểm tra trật tự xây dựng ở các khu đô thị, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh. Số liệu kiểm tra trật tự xây dựng của địa phương cho thấy, tổng số công trình kiểm tra là 758 công trình. Trong đó kiểm tra sau cấp phép là 724 công trình; phát hiện 34 công trình không có giấy phép xây dựng; ban hành quyết định xử phạt theo quy định là 15 trường hợp với số tiền hơn 209 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, việc xử lý cần phải được làm sớm, ngay từ đầu. Muốn vậy, đòi hỏi công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, nghiêm minh. Trách nhiệm lớn nhất nằm ở từng cán bộ, lãnh đạo làm công tác này. Do vậy, các cấp chính quyền cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu tập trung quản lý về trật tự đô thị, tới đây Sở Xây dựng tỉnh có nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chủ trì buổi sơ kết đánh giá về tình hình quản lý trật tự, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng trong toàn tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò phân cấp quản lý về trật tự xây dựng và đô thị cũng như quy hoạch.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu: “Sở Xây dựng nên phối hợp với các địa phương ra quân kiểm tra, kiểm soát các đơn vị, đặc biệt là khu đô thị, khu quy hoạch. Không phải chúng ta ngăn cản gì trong việc xây dựng của người dân mà khi chúng ta phát hiện kịp thời để hướng dẫn người dân lập các thủ tục cho đầy đủ để đảm bảo quyền lợi sau này, không khéo sau này dính vào quy hoạch không có hồ sơ, thủ tục bồi thường cũng không được rồi lập phê duyệt cũng không được, rồi bị lập biên bản, không bồi thường thiệt hại thì thiệt thòi rất lớn cho người dân, nếu chúng ta phát hiện, chấn chỉnh kịp thời thì rất tốt”.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Chia sẻ về tình trạng xây dựng sai phép, không phép, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhìn nhận, với đặc thù của công trình xây dựng các vi phạm về trật tự xây dựng rất khó khắc phục hậu quả. Các trường hợp buộc phải phá dỡ công trình vi phạm đều dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội, vì vậy giải pháp sớm phát hiện, phòng ngừa từ sớm vi phạm trật tự xây dựng luôn là ưu tiên trong nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành xây dựng. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành hệ thông văn bản pháp luật về quản lý trật tự xây dựng đến nay tương đối đầy đủ và đồng bộ. Cơ bản điều chỉnh được các hoạt động xây dựng và nội dung quy định về trật tự xây dựng ngày càng chặt chẽ, các biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng ngày càng nghiêm khắc theo hướng tăng nặng xử phạt và buộc phá dỡ kết cấu phần vi phạm.

Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ công trình sai phép, không phép trong tổng số công trình được thanh tra, kiểm tra đã giảm dần qua từng năm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã giảm nhưng còn phức tạp. Việc phát hiện vi phạm có thời điểm, trường hợp cũng không kịp thời. Việc xử lý vi phạm cũng có trường hợp chưa nghiêm còn chậm, chưa triệt để. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trong quy hoạch và trong hoạt động đầu tư xây dựng để xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các địa phương quan tâm bố trí ngân sách hàng năm cho công tác quy hoạch, khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan và cấp giấy phép xây dựng để làm cơ sở quản lý tình hình, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý địa bàn, quản lý trật tự xây dựng, cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý cũng như xử lý không kịp thời, triệt để. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động xây dựng.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>