Nền tảng phát triển công nghiệp và đô thị

12/01/2021 | 08:08 GMT+7

Với những tiềm năng, lợi thế, huyện Châu Thành đang phát huy các nguồn lực để đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ phát triển. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị của tỉnh.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2020 của huyện Châu Thành được 16.344 tỉ đồng, đạt trên 105% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 15% so với năm 2019.

Nhiều kết quả nổi bật

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: Trong quá trình xây dựng và phát triển hơn 15 năm qua, Châu Thành luôn xác định công nghiệp hóa, đô thị hóa là xu thế tất yếu của sự phát triển. Huyện cùng với tỉnh và trong thẩm quyền của huyện đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện đã vận dụng linh hoạt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nỗ lực, khai thác tối đa lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để công nghiệp, đô thị của địa phương có sự phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Năm 2020, kinh tế của huyện Châu Thành tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, đúng hướng. Ông Phan Thành Nhu, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành, cho biết: Năm qua, nhiều dự án hạ tầng kinh tế, xã hội, đô thị, công nghiệp, nhà máy trọng điểm được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn, tạo nguồn thu cho ngân sách, việc làm cho người dân.

Đến nay, trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Sông Hậu, 3 cụm công nghiệp tập trung và khu đất truyền dẫn năng lượng với tổng diện tích quy hoạch là 955,79ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 54%. Đặc biệt, trong đó có Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 1 lấp đầy 100% (110ha); Khu công nghiệp Sông Hậu lấp đầy 84,87% (246,79/290,79ha); đất truyền dẫn năng lượng đã triển khai nhà máy 1 của dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu với diện tích 125,56/355ha. Tại các khu, cụm công nghiệp đã có 31 dự án đầu tư, trong đó 29 dự án sản xuất kinh doanh (có 4 nước ngoài), 2 dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng. Tổng mức thu hút đầu tư trong nước là 22.983,7 tỉ đồng và đầu tư nước ngoài là 377,9 triệu USD.

 Còn về phát triển đô thị, trong năm 2004, huyện chỉ có 1 đô thị là thị trấn Ngã Sáu, đến nay phát triển thêm 1 đô thị nữa là thị trấn Mái Dầm. Như vậy, đến nay toàn huyện có 2 đô thị loại V và đã thu hút 19 dự án khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại, khu tái định cư, với diện tích 271,23ha, khoảng 11.603 lô nền, phục vụ dân số dự kiến khi hoàn thành là 54.000 người, ước tổng mức đầu tư 4.325 tỉ đồng. Theo quy hoạch chung của tỉnh, huyện Châu Thành đang dần hình thành và phát triển đô thị, công nghiệp với diện tích là 3.200ha.

Khẳng định vị thế

 Trong thời gian qua, huyện Châu Thành đã khẳng định vai trò, vị thế riêng, là vị trí trọng điểm cho phát triển công nghiệp, đô thị. Về vị trí địa lý, huyện tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Sóc Trăng, Sông Hậu. Trên địa bàn có 2 tuyến Quốc lộ là Quốc lộ 1A và Nam Sông Hậu đi qua, là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển đô thị - công nghiệp cũng như thương mại - dịch vụ. Ông Nguyễn Thiện Chiến, Chánh Văn phòng UBND huyện Châu Thành, cho biết: Công nghiệp, đô thị trên địa bàn huyện phát triển đã thúc đẩy mạnh mẽ vào quá trình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thu ngân sách và giải quyết một số vấn đề về mặt xã hội của địa phương. Giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu của 3 khu vực, đặc biệt là giá trị của lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng mạnh. Từ đó góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương và các vùng lân cận.

Năm 2004, khi mới chia tách giá trị chung của 3 khu vực chỉ đạt 625 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chỉ 45 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 7,2% trong tổng giá trị. Đến năm 2015 đạt 10.636 tỉ đồng, tăng 17 lần so với năm 2004, trong đó lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 7.028 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 66,08% giá trị sản xuất chung. Năm 2020, ước đạt 19.636 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 14.618 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 74,5% tổng giá trị của huyện và chiếm trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Với mức tăng trưởng về kinh tế đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người lên đáng kể. Năm 2004, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 3,88 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020, tăng lên 89,86 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 23 lần so với năm 2004, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. 

Cho đến nay, vốn đầu tư toàn xã hội được huy động về cơ bản là đảm bảo triệt để với đa dạng các nguồn vốn. Năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 4.700 tỉ đồng, cao gấp 21,76 lần so với năm 2004. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tổng mức đầu tư là 16.686 tỉ đồng, bình quân mỗi năm 3.337 tỉ đồng. Từ nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ đã góp phần cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông phát triển khá nhanh và đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương và phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị.

 Khi mới chia tách huyện, từ chỗ kém phát triển, chủ yếu là hệ thống lộ giao thông nông thôn xuống cấp, nhiều tuyến đường kết nối liên xã, liên ấp chưa có, chỉ duy nhất 1 tuyến giao thông huyết mạch từ Quốc lộ 1A về trung tâm huyện lỵ (thị trấn Ngã Sáu) là Tỉnh lộ 925 - đường cấp V đồng bằng. Tới thời điểm này, hệ thống giao thông của huyện đã phát triển khá tốt, trên địa bàn huyện có 526,6km đường giao thông, trong đó có Quốc lộ 1A, Quốc lộ Nam Sông Hậu qua địa bàn (9km), Đường tỉnh 925 và 927C với tổng chiều dài 20,9km, các tuyến đường ô tô về trung tâm xã với tổng chiều dài 38,23km và các tuyến đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp. Hệ thống giao thông của huyện còn kết nối với các địa phương tiếp giáp như: quận Cái Răng của thành phố Cần Thơ, huyện Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng, thành phố Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A của Hậu Giang.

Với những lợi thế về vị trí địa lý, chính sách đầu tư phù hợp, huyện Châu Thành đang tiếp tục đẩy mạnh cho các lĩnh vực phát triển. Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, định hướng phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp của tỉnh, đây là cơ hội để huyện tập trung nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho huyện. Phối hợp cùng các sở, ngành tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị theo quy hoạch chung được duyệt.

Theo đó, huyện tập trung vào cải cách hành chính và thực hiện tốt công tác phối hợp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển bền vững. Về công nghiệp, huyện phối hợp cùng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và các sở, ngành tỉnh tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước, kêu gọi đầu tư để lắp đầy diện tích khu, cụm công nghiệp được duyệt. Đồng thời, mở rộng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch Khu đô thị công nghiệp Sông Hậu 3.200ha. Về đô thị, huyện tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách và xã hội hóa, phấn đấu đến năm 2025 huyện có 3 đô thị, trong đó thị trấn Ngã Sáu đạt đô thị loại IV, Mái Dầm cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV và xã Đông Phú đạt đô thị loại V.

Theo UBND huyện Châu Thành, phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới Cụm công nghiệp Phú Tân để thu hút đầu tư. Trong giai đoạn 2020-2025, phấn đấu hoàn thành 13 khu đô thị, dân cư thương mại đã được tỉnh công nhận nhà đầu tư (5 khu) và đang chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư (8 dự án). Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư mới 6 khu đô thị mới tại thị trấn Ngã Sáu 3 khu, Mái Dầm 1 khu và xã Đông Phú 2 khu.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>