Tháo “nút thắt” dự án giao thông trọng điểm

28/02/2023 | 18:27 GMT+7

Nhiệm kỳ này, Chính phủ dành nguồn lực tập trung đầu tư cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, quyết tâm làm thay đổi hệ thống giao thông của vùng, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa.

Đồng bằng sông Cửu Long cần phải tháo gỡ “nút thắt”, trong đó có hạ tầng để khu vực này phát triển nhanh và bền vững.

Bài 1: Vượt khó thi công -  đảm bảo tiến độ

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, không chỉ với các địa phương có tuyến cao tốc đi qua, mà còn tạo động lực bứt phá mọi mặt cho vùng. Trên công trường, đoạn Cần Thơ - Cà Mau, các đơn vị thi công nỗ lực vượt khó đảm bảo tiến độ ngay từ những ngày đầu thi công, khâu giải phóng mặt bằng tiếp tục được tăng tốc.

Nỗ lực vượt khó thi công

Những ngày đầu năm mới 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo cùng với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp kiểm tra các dự án từ Bắc tới Nam trên 4 lĩnh vực chính của ngành giao thông vận tải gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải. Mỗi nơi đến, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ chúc tết cán bộ, công nhân viên tham gia các dự án, các đơn vị sản xuất kinh doanh vận tải, người dân tại các khu tái định cư, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Qua đây, đã động viên, tạo động lực rất mạnh mẽ, khích lệ tinh thần quyết tâm vượt khó, thi công 3 ca - 4 kíp, không quản ngại khó khăn, vất vả để triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

Các công trường, các dự án được kiểm tra, thị sát đều có khí thế quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong việc thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không trọng điểm; đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (110km), đi qua 12 tỉnh, thành phố. Dự án được đầu tư quy mô phân kỳ với bề rộng nền đường 17m, 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100-120km/h trên tất cả 12 đoạn tuyến. Tổng mức đầu tư gần 147.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cơ bản năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.

Theo đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng, đơn vị rất vinh dự khi được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn để tham gia thi công cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2. Với kinh nghiệm, uy tín, thương hiệu, bề dày truyền thống, sau khi được chỉ định thầu thực hiện cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã bố trí thiết bị, lực lượng có kinh nghiệm, tổ chức 7 mũi thi công tại công trường.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cho biết thêm: “Trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang khí thế thi công sôi nổi xuyên tết. Với thương hiệu, uy tín của bộ đội Trường Sơn, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong thời bình, chúng tôi khẳng định rằng dự án sẽ đảm bảo được tiến độ, chất lượng, đảm bảo được uy tín của chúng tôi trên các công trình trọng điểm mà Thủ tướng Chính phủ đã tin tưởng giao cho”.

Xúc tiến giải phóng mặt bằng

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 dài khoảng 720km gồm 12 dự án thành phần sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Theo rà soát mới đây của Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh đã bàn giao mặt bằng được 559/721,2km (đạt 77,6%). Tuy nhiên, vẫn còn vướng mặt bằng tại một số vị trí đường tiếp cận công trường và do một số hộ dân chưa bàn giao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung huy động máy móc, nhân lực, xây dựng lán trại, thi công đường công vụ, triển khai các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng và thi công các hạng mục trên tuyến. Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai thi công quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu, bảo đảm tiến độ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho công tác triển khai thi công. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các đơn vị cần quyết liệt, tập trung triển khai thực hiện tháo gỡ các vướng mắc bảo đảm tiến độ yêu cầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hậu Giang, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy và huyện Long Mỹ khẩn trương giải phóng mặt bằng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Nỗ lực gỡ khó, quyết tâm bàn giao sớm toàn bộ mặt bằng để thi công dự án. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, ông Lê Văn Thanh cho biết, tính đến đầu tháng 2-2023, đã bàn giao mặt bằng đạt trên 92% diện tích. Trung tâm Phát triển quỹ đất đang phối hợp với các ngành chức năng hoàn chỉnh hồ sơ, phê duyệt phương án bồi thường cho các trường hợp còn lại. Đồng thời, phối hợp với đơn vị thi công để vận động, giải quyết trước các trường hợp đang cần mặt bằng thi công.

Trong buổi làm việc với các ngành, địa phương mới đây, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm vướng mắc về mặt bằng, không để kéo dài thời gian. Giao Trung tâm Phát triển quỹ đất, các sở, ngành, sớm xử lý các trường hợp còn vướng về đất, nhà ở để phê duyệt. Các ngành, địa phương khẩn trương phối hợp để di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng. UBND các huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận rà soát trên toàn tuyến, tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng liền tuyến.

UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và kêu gọi Nhân dân trong vùng dự án đi qua tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện thi công dự án đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đề ra, sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng để từng bước hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước và trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây, tạo làn sóng mới trong thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tỉnh cũng đề nghị chủ đầu tư cùng các nhà thầu bố trí nhân lực hợp lý, có năng lực kỹ thuật cao, có đủ trang thiết bị tổ chức thi công; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, khắc phục khó khăn, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công để triển khai công trình theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, an toàn lao động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Đồng bằng sông Cửu Long cần phải tháo gỡ 2 “nút thắt”, một là hạ tầng và hai là đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, việc phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến cao tốc sẽ giúp vận chuyển hàng hóa, con người, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, nông sản, giúp người nông dân thoát nghèo và làm giàu. Đồng thời, mở ra không gian phát triển mới, các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo công ăn việc làm để người dân được học tập, làm việc.

 

Bài, ảnh: NGỌC ANH

Bài 2: Đẩy nhanh tiến độ các khu tái định cư

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>