Bệnh không lây nhiễm - Chớ có xem thường !

05/04/2021 | 07:22 GMT+7

Tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm (KLN) chiếm 77% trong tổng số các trường hợp tử vong. Ngành y tế tỉnh đang từng bước quản lý sức khỏe của người có nguy cơ cao mắc bệnh, người mắc bệnh KLN, để giảm tỷ lệ mắc, giảm biến chứng, tử vong sớm, nhưng hiện nay công tác này còn nhiều khó khăn.

Tập huấn các kiến thức kỹ năng cho mạng lưới làm công tác phòng chống bệnh KLN tại phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy.

Gây tử vong cao

Theo ông Võ Hoàng Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Bệnh KLN đang là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho khoảng 424.000 người, chiếm 77% tổng số người chết mỗi năm (khoảng 548,8 ngàn người) ở nước ta do bệnh tật, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong đó, bệnh tim mạch là bệnh KLN phổ biến nhất ở Việt Nam, là kẻ “giết người số một” chiếm tỷ lệ 31% số cas tử vong trên cả nước. Trong khi đó, tăng huyết áp và đái tháo đường là nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch. 70% số người bệnh nằm điều trị tại các cơ sở y tế là mắc các bệnh KLN”.

Vì vậy, công tác phòng, chống bệnh KLN cần được quan tâm đúng mức bên cạnh phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, có nhiều yếu tố nguy cơ, như hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên... là những nguyên nhân dẫn đến số người mắc các bệnh KLN gia tăng.

Bệnh KLN bắt đầu được triển khai quản lý vài năm gần đây. Hoạt động phòng, chống bệnh KLN từng bước được quan tâm hơn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại, ngành y tế quản lý một số bệnh như: ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Năm 2020, tại tỉnh phát hiện gần 53.000 người mắc bệnh tăng huyết áp và phát hiện gần 19.000 người mắc bệnh đái tháo đường, chiếm trên 50% so với số trường hợp mắc ước tính có trong cộng đồng. Trong khi đó, vẫn còn nhiều trường hợp chưa quản lý được. Tỷ lệ quản lý bệnh tăng huyết áp đạt khoảng 85%, trong đó chỉ khoảng 58% bệnh nhân đến lấy thuốc điều trị. Tỷ lệ quản lý bệnh đái tháo đường thấp hơn chỉ đạt 78%, tổng số bệnh nhân đến khám lấy thuốc đạt 68%.

Tập trung cho tuyên truyền và phòng bệnh

Hoạt động phòng, chống bệnh KLN còn nhiều khó khăn. Ông Hứa Văn Soi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy, nhấn mạnh: “Việc tầm soát bệnh KLN chủ yếu thu thập thông tin từ hoạt động khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế của huyện. Quản lý bệnh khá thụ động, các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực chỉ quản lý, tư vấn được những người đến tái khám tại cơ sở mình, còn các trường hợp đi khám ở các bệnh viện khác khó quản lý được. Việc tổ chức các đợt tầm soát bệnh ở cộng đồng chưa nhiều. Kinh phí để thực hiện công tác phòng, chống bệnh KLN còn rất ít”.

Tại thành phố Ngã Bảy công tác này cũng chưa êm xuôi. Ông Nguyễn Văn Bé, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế thành phố Ngã Bảy, bộc bạch: “Kiến thức người dân về dự phòng, phát hiện bệnh sớm và phòng các biến chứng chưa cao. Mạng lưới làm công tác này còn thiếu và còn hạn chế về chuyên môn. Tại trạm y tế chưa làm được đánh giá, tầm soát đối với bệnh đái tháo đường”. Nguồn nhân lực còn thiếu, yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trạm y tế còn thiếu, không đồng bộ, nhất là thiếu các thiết bị để chẩn đoán, phát hiện biến chứng… là một trong những rào cản dẫn đến hiệu quả quản lý, tư vấn bệnh KLN còn hạn chế.

Những tháng đầu năm nay công tác này được quan tâm nhiều hơn, trong đó chú trọng phát triển mạng lưới nhân lực để từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, điều trị, dự phòng. Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các hội thảo truyền thông và tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế 20 xã, phường, thị trấn, trong đó có một phường được chọn thí điểm thực hiện công tác phòng chống bệnh KLN là phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy. Được tập huấn nâng cao năng lực quản lý, là đòn bẫy để thúc đẩy nâng hiệu quả phòng, chống bệnh KLN ở địa phương. Bà Lê Thị Kim Chi, Trưởng trạm Y tế phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Trước đó, chúng tôi đã có những ý định để thúc đẩy việc quản lý bệnh KLN. Được quan tâm đào tạo nguồn nhân lực sẽ giúp chúng tôi có một mạng lưới tốt để tư vấn tuyên truyền vận động và giúp người dân phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tư vấn hỗ trợ tốt nhất đối với những bệnh nhân mắc bệnh KLN nhằm giúp người dân giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm những biến chứng nguy hiểm và giảm tử vong sớm do bệnh”.

Phát triển mạng lưới là một trong những giải pháp được các địa phương cho là hiệu quả nâng cao hoạt động phòng, chống bệnh KLN. Ông Hứa Văn Soi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy, khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tập huấn cho mạng lưới làm công tác phòng, chống bệnh KLN của huyện. Để qua đó tích cực nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, công tác quản lý người bệnh ở địa bàn, thu hút được người mắc bệnh tham gia vào các hoạt động chương trình quản lý ở địa phương”.

Hoạt động phòng, chống bệnh KLN đang chuyển hướng tập trung vào công tác phòng bệnh thay vì trước đây chủ yếu tập trung vào khám, điều trị tại các bệnh viện để người dân được sàng lọc, phát hiện sớm, chăm sóc, quản lý bệnh mạn tính liên tục và lâu dài. Ông Võ Hoàng Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho hay: “Chúng tôi đang tham mưu Sở Y tế tỉnh xây dựng Đề án phòng, chống bệnh KLN giai đoạn 2021-2025 trình UBND tỉnh phê duyệt. Năm nay, phấn đấu duy trì kết quả đạt được trong năm 2020 và nâng cao chất lượng hoạt động của công tác phòng, chống bệnh KLN trên địa bàn tỉnh. Khi đề án được phê duyệt hy vọng sẽ thúc đẩy được hiệu quả quản lý bệnh KLN”.

Nguyên nhân dẫn đến cái chết cho khoảng 424.000 người Việt Nam mỗi năm

 

Bệnh KLN còn được gọi là “bệnh mạn tính” bởi vì quá trình hình thành bệnh diễn ra trong nhiều năm, thường là bắt đầu từ tuổi trẻ, bệnh tiến triển kéo dài, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, thậm chí cả cuộc đời. Hoạt động phòng chống bệnh KLN của Việt Nam đang tập trung vào các nhóm bệnh chính gồm: tăng huyết áp (THA), bệnh tim mạch (đột quỵ, suy tim, bệnh mạch vành…), đái tháo đường (ĐTĐ), các bệnh ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đây là những bệnh KLN có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh KLN đang là nguyên nhân dẫn đến cái chết cho khoảng 424.000 người, chiếm 77% tổng số người chết mỗi năm (khoảng 548,8 ngàn người) do bệnh tật ở nước ta. Có nhiều yếu tố nguy cơ, như hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên... là những nguyên nhân dẫn đến số người mắc các bệnh KLN gia tăng.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>