Hậu Giang luôn quan tâm, đầu tư cho ngành y tế để chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho Nhân dân

26/02/2024 | 19:10 GMT+7

Nhân Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, bà Hồ Thu Ánh (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dành cho Báo Hậu Giang cuộc phỏng vấn, chia sẻ những đánh giá về sự phát triển vừa qua và định hướng tới đây đối với ngành y tế tỉnh nhà.

Thưa bà, trong 20 năm qua, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đầu tư cho sự phát triển ngành y tế như thế nào, nhất là phát triển y tế cơ sở ?

- Khi mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ, ngành y tế Hậu Giang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị cũng như nhân lực, nhiều đơn vị phải mượn nhà tạm hoặc thuê nhà dân để làm trụ sở, nơi làm việc và làm cơ sở khám, chữa bệnh nên hầu hết các đơn vị không đảm bảo về chất lượng, cơ sở chật hẹp so với quy mô giường bệnh để tổ chức khám, chữa bệnh và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hầu hết cơ sở khám chữa bệnh đều bị quá tải.

Mặt khác, đội ngũ y tế cơ sở và nhân viên y tế ấp còn thiếu rất nhiều, hoạt động không thường xuyên, do vậy chưa đáp ứng được công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác đầu tư cho y tế, đặc biệt tạo bước đột phá trong đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 về việc phê duyệt đề án nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2008-2010; Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 về việc phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013; Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.

Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang đã có Nghị quyết ưu tiên đầu tư cho ngành y tế, trọng tâm là phát triển hệ thống y tế cơ sở, trong năm 2014 và 2015 đã đầu tư 231,301 tỉ đồng từ nguồn huy động xã hội hóa và một phần của ngân sách tỉnh để nâng cấp, xây dựng mới 47 trạm y tế; trong những năm tiếp theo ngân sách tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế còn lại và nâng cấp, sửa chữa các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa khu vực trên địa bàn toàn tỉnh.

Đến năm 2017, tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành chỉ tiêu 100% trạm y tế xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 (hoàn thành trước kế hoạch của Bộ Y tế 03 năm), góp phần hoàn thành tiêu chí y tế trong xây dựng xã Nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, hầu hết các cơ sở y tế đã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cơ bản đã hoàn chỉnh, đây được xem là điều kiện tiên quyết để đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Với sự quan tâm ấy đã tác động mạnh mẽ, thay đổi diện mạo mạng lưới cơ sở y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở tỉnh ra sao, thưa bà ?

- Qua các chương trình, kế hoạch tập trung đầu tư cho hệ thống y tế, đến nay hệ thống y tế tỉnh Hậu Giang có thể nói cơ bản hoàn chỉnh từ tuyến xã đến tuyến tỉnh; hiện nay, tuyến y tế cơ sở có 1 bệnh viện đa khoa khu vực, 06/08 Trung tâm Y tế tuyến huyện đa chức năng và 2/8 trung tâm y tế 2 chức năng, 4 phòng khám đa khoa khu vực và 71 trạm y tế xã, phường, thị trấn đã được củng cố, sắp xếp lại đảm bảo thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng tinh gọn, nâng cao năng lực hiệu quả bộ máy; các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh cũng được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh; việc mua sắm trang thiết bị y tế được quan tâm, với nhiều trang thiết bị cơ bản, hiện đại được đầu tư, đáp ứng yêu cầu triển khai dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị cho Nhân dân.

Từ đó, đã góp phần tạo nên một diện mạo mới khang trang, đồng bộ ở tất cả các tuyến khám chữa bệnh, đặc biệt là bệnh viện đa khoa khu vực, các trung tâm y tế tuyến huyện đã được trang bị máy chụp CT - Scanner, lọc thận nhân tạo, siêu âm 3D, 4D, nội soi,... và nhiều trang thiết bị khác, giúp công tác chẩn đoán của điều trị cho bệnh nhân tại tuyến cơ sở ngày càng hiệu quả hơn. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được triển khai thực hiện; chất lượng chuyên môn đã từng bước được nâng lên, các hoạt động phong trào được triển khai đồng bộ, thiết thực từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ y tế về phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, cùng với việc xây dựng cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp”, đã làm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh.

Song song đó, tỉnh tập trung đào tạo đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế tuyến cơ sở nhất là đội ngũ bác sĩ tuyến huyện, xã (tổng số nhân viên y tế tuyến xã năm 2004 chỉ có 338 người với 32 bác sĩ, đến cuối năm 2023 đã có 531 người, với 63 bác sĩ; tuyến huyện năm 2004 có 597 người với 113 bác sĩ, đến cuối năm 2023 đã có 1.292 người, với 298 bác sĩ (trong đó có 271 bác sĩ đạt trình độ sau đại học).

Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện tốt kế hoạch luân phiên bác sĩ từ huyện về xã tăng cường công tác khám, chữa bệnh cho trạm y tế, tạo mọi điều kiện để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tuyến cơ sở.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa bà ?

- Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân trong thời gian tới thì ngành y tế Hậu Giang cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất chủ trương đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; triển khai trạm y tế xã thực hiện quản lý theo nguyên lý của y học gia đình, chăm sóc sức khỏe lồng ghép gắn với việc quản lý, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm để người dân được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương hoàn chỉnh các Đề án vị trí việc làm theo hướng dẫn đảm bảo được phê duyệt trong quý I/2024.

Khẩn trương triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hợp phần đã được phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến. Chú trọng xây dựng và triển khai các Đề án bệnh viện vệ tinh, triển khai khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật.

Xây dựng “Đề án triển khai hệ thống Bệnh án điện tử ngành y tế tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2024-2030” để triển khai cho 100% cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương, chính sách thu hút phát triển nguồn lực y tế tỉnh Hậu Giang nhằm thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, gắn bó lâu dài tại tỉnh.

Khẩn trương tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh, nhằm hướng đến tính đúng, tính đủ và tạo thêm nguồn thu cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch UBND tỉnh !

HỒNG DIỄM thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>