Phòng dịch bệnh truyền nhiễm những tháng cuối năm

30/10/2020 | 08:25 GMT+7

Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika, bệnh tay - chân - miệng đợt II năm 2020 vừa được triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh từ ngày 26 đến 28-10 đã tác động tích cực, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng các dịch bệnh truyền nhiễm này.

Cán bộ đi tuyên truyền phòng dịch, kiểm tra lăng quăng tại ấp Thạnh Mỹ A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A.

Đến từng nhà dân để tuyên truyền

Ba ngày qua, bà Nguyễn Thị Mỹ Phước, Phó Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Mỹ A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, cùng với một số cán bộ khác của ấp đã đi đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động thực hiện vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh. Bà Mỹ Phước cho biết: “Chúng tôi đi từng nhà trước hết là kiểm tra các dụng cụ chứa nước xem có lăng quăng hay không, xem điều kiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở của hộ dân có đảm bảo không. Qua kiểm tra, điều kiện vệ sinh môi trường tương đối ổn nhưng chỉ có một số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, chúng tôi vận động người dân đổ ngay để diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết. Tại mỗi nhà dân cũng hướng dẫn cách phòng bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng”.

Cán bộ đến nhà hướng dẫn, vận động đã tác động trực tiếp và giúp người dân hiểu được tầm quan trọng việc duy trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh thường xuyên. Bà Nguyễn Thị Huẩn, một người dân ở ấp Thạnh Mỹ A, chia sẻ: “Cán bộ đến tuyên truyền và kiểm tra có 1 lu có lăng quăng do mình không sử dụng nên không để ý. Hổm rày mưa nước đọng trong lu mới có lăng quăng”. Những dụng cụ chứa nước khác sử dụng thường xuyên đã được bà Huẩn đậy kín, cho thấy người dân một phần có ý thức phòng bệnh, tuy nhiên vẫn còn những dụng cụ không sử dụng chưa được dọn dẹp làm nơi trú ẩn, phát triển của lăng quăng. Bà Huẩn khẳng định: “Được cán bộ vận động tôi đồng tình đổ nước để diệt lăng quăng và úp luôn cái lu xuống để không còn đọng nước, không còn lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết”.

Không chỉ phòng bệnh sốt xuất huyết, tại xã Tân Phú Thạnh trong tháng 10 này tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng gia tăng, diễn biến phức tạp nhất tỉnh nên công tác vận động người dân phòng bệnh này ở các gia đình có trẻ nhỏ được đặc biệt lưu ý. Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng trạm Y tế xã Tân Phú Thạnh, cho biết: “9 tháng đầu năm xã có 2 trường hợp trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng, nhưng trong tháng 10 có đến 6 cas mắc bệnh, trong đó đa số là trẻ chưa đến trường, vì vậy, chúng tôi tích cực truyền thông, hướng dẫn để người dân chủ động phòng bệnh tay - chân - miệng cho trẻ tại nhà. Vận động người dân vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ thường xuyên, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng đúng cách cho trẻ và người trông trẻ,… để phòng bệnh tay - chân - miệng. Đối với các điểm trường cũng phối hợp tích cực triển khai thường xuyên công tác phòng dịch”.

Ý thức vẫn là quan trọng nhất

Trong tháng 10, tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng diễn biến phức tạp và gia tăng hơn thời điểm những tháng trước ở huyện Châu Thành A. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 2 tuần gần đây huyện Châu Thành A đều có số cas mắc tay - chân - miệng cao nhất tỉnh. Liên tục có 11 cas mắc/tuần, tập trung nhiều ở xã Tân Phú Thạnh và xã Trường Long A, vì vậy, Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh đợt II được sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt ở các xã, thị trấn. Ông Lê Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho hay: “Huyện tổ chức lễ phát động và các xã bắt đầu đồng loạt ra quân, tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng từ ngày 26-10. Ngoài tuyên truyền, vãng gia ở hộ gia đình huyện còn tập trung truyền thông trong trường học cho học sinh. Các trường quan tâm kiểm soát nhiệt độ khi học sinh đến lớp, nếu có trường hợp bệnh sốt sẽ yêu cầu đi khám bệnh và xử trí phòng dịch kịp thời. 100% trường học trên địa bàn đều được phun hóa chất phòng dịch. Trong xử lý ổ dịch, giám sát cas bệnh chúng tôi cũng chỉ đạo xử lý sớm”.

Không chỉ có những địa bàn có tình hình dịch bệnh diễn biến tăng mới chủ động phòng dịch mà một số địa phương dù không có cas bệnh vẫn tích cực ra quân truyền thông. Tại phường I, thành phố Vị Thanh, cán bộ Trạm Y tế phường I phối hợp cùng cán bộ ấp đi thực hiện chiến dịch phòng, chống dịch bệnh đợt 2 tuyên truyền cho từng hộ dân. Theo bà Đặng Thu Kiền, Trưởng trạm Y tế phường I: “Do là phường trung tâm nên đa số hộ dân không trữ nước, mật độ lăng quăng tương đối thấp. Nhận thức người dân tương đối tốt và quan tâm phòng bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp do hoàn cảnh gia đình, lo sinh kế nên chưa quan tâm nhiều, chúng tôi đã động viên, vận động thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh nhằm duy trì thành quả phòng, chống dịch bệnh những tháng đầu năm nay ở phường”. Từ đầu năm đến thời điểm này, trên địa bàn phường I không ghi nhận cas bệnh tay - chân - miệng hay sốt xuất huyết.

Thực tế cho thấy, để công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đạt hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng thì ý thức của mỗi người dân có ý nghĩa quan trọng vì cán bộ không thể lúc nào cũng thực hiện thay mỗi gia đình được. Bà Nguyễn Thị Bé, ở ấp Thạnh Mỹ A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Nhà có 2 cháu nhỏ, nên nghe cán bộ đến hướng dẫn phòng bệnh tay - chân - miệng sốt xuất huyết gia đình sẽ quan tâm thực hiện theo hướng dẫn để đảm bảo sức khỏe cho con cháu mình và cùng địa phương phòng dịch”. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra khi triển khai chiến dịch với 90% hộ dân được vãng gia tuyên truyền các kiến thức phòng bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika.

Các loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát nếu không chủ động phòng ngừa trong mùa mưa bão

 

Theo dự báo của ngành y tế tỉnh, dù tình hình dịch bệnh giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019 và Hậu Giang là tỉnh có số cas mắc bệnh thấp nhất 20 tỉnh, thành phía Nam, tuy nhiên dịch bệnh tay - chân - miệng diễn biến tăng hơn những tháng trước ở thời gian gần đây, khi mùa mưa bão thì các loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát nếu không chủ động phòng ngừa. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hậu Giang), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận 103 cas bệnh sốt xuất huyết, giảm 416 cas so với cùng kỳ năm 2019 và 150 cas bệnh tay - chân - miệng, giảm 409 cas so với cùng kỳ năm 2019. Chiến dịch được triển khai với sự quan tâm của tất cả các địa phương, công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp được đặc biệt quan tâm. Từ chỗ đi từng nhà cũng thống kê lại những dụng cụ chứa nước có lăng quăng để ngành đánh giá mật độ muỗi và có những giải pháp xử lý phòng dịch phù hợp. Qua chiến dịch cũng tác động, khơi dậy ý thức tham gia phòng, chống các loại dịch bệnh của từng người dân, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm nay”.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>