Vì sao người dân chưa mặn mà với dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa ?

15/04/2024 | 08:57 GMT+7

Phát triển khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế nhanh chóng. Thế nhưng, theo ghi nhận từ các cơ sở y tế, hầu như rất ít người bệnh sử dụng dịch vụ này.

Sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, người bệnh có thể đặt lịch hẹn khám trước, giảm thời gian chờ đợi.

Nơi không ai đăng ký, nơi có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay...

Hàng chục cơ sở y tế của tỉnh đã bắt đầu thí điểm, triển khai chính thức dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, nhưng trong thực trạng chung có ít người sử dụng. Thực trạng này khiến cơ sở y tế băn khoăn, chỉ thực hiện... cầm chừng.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Đơn vị đã triển khai từ năm 2021, đến nay tình hình vẫn không khả quan, người dân chưa sử dụng dịch vụ. Chúng tôi bố trí phòng riêng, có trang bị máy tính, camera và có nhân viên y tế trực tiếp nhận, nhưng mấy năm qua, số người đăng ký khám bệnh từ xa đếm trên đầu ngón tay”.

Tình trạng tương tự tại Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, nơi đây đã triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa thử nghiệm và chuẩn bị thực hiện chính thức trong năm nay, nhưng vẫn không có ai đăng ký. Ông Nguyễn Đăng Khoa, phụ trách công nghệ thông tin, Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ, cho biết: “Chúng tôi triển khai dùng thử từ tháng 8-2023, nhưng đến nay hầu như không có bệnh nhân nào đăng ký. Để thực hiện dịch vụ này, đã triển khai đồng thời với các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài app “vnCare” trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, chỉ cài chứ chưa ai sử dụng”.

Khám, chữa bệnh từ xa đã được bắt đầu quan tâm triển khai thời điểm dịch Covid-19 năm 2021, nhưng chưa thu hút được do người bệnh chưa thấy được rõ lợi ích khi sử dụng dịch vụ. Bà Trần Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện và công tác xã hội - truyền thông, Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, thông tin: “Tại trung tâm cũng đã triển khai thực hiện mấy năm nay, nhưng người bệnh đã quen đến đăng ký khám bệnh tại cơ sở, chưa có thói quen đăng ký trên app. Thực tế, công tác tổ chức các phòng khám bệnh ở trung tâm được quan tâm, bố trí nhiều phòng khám nên dù không đăng ký đặt lịch khám, chữa bệnh trước, bệnh nhân vẫn không mất nhiều thời gian chờ đợi khi đến đăng ký khám trực tiếp nên chưa có nhu cầu sử dụng. Cũng có lý do là đời sống không ít người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, chưa sử dụng điện thoại thông minh, nên chưa phát huy sâu rộng”.

Khám, chữa bệnh từ xa dù đã được một số cơ sở y tế của tỉnh bắt đầu triển khai từ mấy năm nay, nhưng vẫn còn khá mới đối với người dân. Số lượng người cài app và hiểu về tiện ích của hình thức khám, chữa bệnh này còn hạn chế, việc tư vấn người dân về dịch vụ này còn chưa quyết liệt nên chưa phát huy được.

Vấn đề không chỉ nằm ở người dân...

Tại Phòng khám Đa khoa khu vực xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, có cách làm được coi như điểm sáng để triển khai dịch vụ này.

Bà Lê Thị Phúc, Trưởng phòng khám, chia sẻ: “Chúng tôi nỗ lực cài đặt app vnCare cho khoảng 42% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại cơ sở. Hiện nay, đã có nhiều người gọi đặt lịch chữa bệnh trước khi đến, nhất là đông y. Người bệnh liên hệ đặt lịch trước và chúng tôi sắp xếp thời gian hẹn khám bệnh hợp lý. Người bệnh chỉ cần đến đúng thời gian hẹn là hầu như không phải chờ đợi”. Chính vì thế, người bệnh đã dần tiếp cận với tiện ích của dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa ở Phòng khám Đa khoa khu vực này.

Theo Bộ Y tế, khám, chữa bệnh từ xa mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Việc lồng ghép khám, chữa bệnh từ xa trong hệ thống y tế sẽ giảm thiểu sự bất bình đẳng và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế của các nhóm yếu thế. Giúp tiết kiệm được nguồn lực (chi phí, thời gian và công sức) nhờ hạn chế được các lần thăm khám trực tiếp phải di chuyển rất xa, cần lời khuyên hay tư vấn từ các chuyên gia, hoặc cần hội chẩn nhiều chuyên khoa.

Trong nhiều trường hợp, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và các thiết bị y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa có thể giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn và quản lý sức khỏe hiệu quả hơn, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới tăng khả năng cung cấp dịch vụ y tế cũng như sự tin tưởng của người dân với y tế cơ sở.

Bộ Y tế đã ban hành Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 và việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa có trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao; là yêu cầu trong tiêu chí chất lượng bệnh viện; thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số y tế thực hiện chuyển đổi số ngành y tế. Đây là dịch vụ cần được triển khai ở tất cả các cơ sở y tế. Theo các cơ sở y tế cần tăng cường phối hợp và truyền thông đến người dân về dịch vụ này.

 Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Cần quan tâm truyền thông về việc ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa, quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia dịch vụ cho người dân nắm rõ, tự nguyện đăng ký tham gia. Hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm, cách sử dụng. Hướng dẫn cách đặt lịch hẹn khám, các thông tin cần chuẩn bị trước khi đến khám, cách lưu giữ thông tin sau khám…”.

Đáng mừng là nhiều trạm y tế đã triển khai dịch vụ này

Trên địa bàn tỉnh hiện có 19/86 cơ sở y tế công lập đã triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa với người bệnh: Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, các trung tâm y tế huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy.

 Các trạm y tế  xã Lương Nghĩa, Lương Tâm, Thuận Hòa, Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A và Phòng khám Đa khoa khu vực Xà Phiên (huyện Long Mỹ), Trạm Y tế xã Long Trị A (thị xã Long Mỹ), Trạm Y tế xã Nhơn Nghĩa A, Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A), Trạm Y tế xã Phương Phú (huyện Phụng Hiệp).

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>