Thực hiện hiệu quả các dự án để giảm nghèo bền vững

01/10/2024 | 05:31 GMT+7

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các địa phương đã nghiên cứu, cập nhật, áp dụng các văn bản, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, để thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án trên địa bàn.

Qua kiểm tra việc triển khai thực hiện một số dự án tại các huyện, thị xã, thành phố, ông Võ Phú Cường (ảnh), Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Qua thực tế kiểm tra các dự án ở một số đơn vị cho thấy địa phương có sự quan tâm, triển khai dự án theo trình tự thủ tục, đúng đối tượng. Các dự án triển khai đảm bảo theo yêu cầu, quy định, sát với điều kiện thực tế sản xuất tại địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tích cực tham gia các dự án, từ đó mang lại hiệu quả khá cao.

Thưa ông, hiện nay còn những khó khăn nào trong triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững?

- Theo tôi có hai khó khăn. Thứ nhất, do trình tự, thủ tục quy định nên các địa phương mất nhiều thời gian để thiết lập dự án. Thứ hai, là sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phần đông thì họ tham gia tích cực, nhưng có một bộ phận ít hộ nghèo còn e dè, chưa mạnh dạn tham gia chương trình này. Vì vậy, dự án phải làm đi làm lại, thay đổi, nên hiệu quả mang lại chưa cao ở một số địa phương.

Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thiết lập sát với điều kiện thực tế, giúp người dân có thu nhập ổn định.

Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trong năm nay, ông có lưu ý như thế nào với địa phương trong triển khai các dự án ?

- Năm 2024, tỉnh quyết tâm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo trở lên. Chính vì thế cần tập trung khắc phục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà tôi vừa nêu. Trước hết, sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan liên quan, địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để họ nhận thức được quyền lợi trong tham gia dự án là như thế nào, thấy được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, để có sự phối hợp, tích cực tham gia, có như vậy mới giảm nghèo bền vững.

Triển khai đồng bộ các bước, trình tự, thủ tục thiết lập dự án, khi thiết lập dự án phải có sự tham gia sâu rộng của người dân, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ cộng đồng ở địa phương.

Riêng việc thiết lập dự án phải đảm bảo các yêu cầu nào, thưa ông ?

- Thiết lập dự án phải đảm bảo 3 yêu cầu: đáp ứng yêu cầu của người dân; sát với điều kiện thực tế ở địa phương; mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo. Tiếp tục động viên, hướng dẫn, tập huấn kỹ năng, kiến thức, dạy nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, để họ có kiến thức, kỹ năng tay nghề, tham gia tốt dự án. Phát huy nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội, có thể kết hợp để tăng quy mô dự án. Đồng thời, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tham gia ngay từ đầu trong việc lấy ý kiến người dân trong thiết lập dự án, xây dựng dự án, triển khai thực hiện. Trong thực hiện có hỗ trợ, giám sát, giúp đỡ người dân, để họ có kiến thức, tay nghề, triển khai dự án hiệu quả…

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Các địa phương đang tích cực thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đối với dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 63 dự án, có 789 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia.

Nội dung tập trung chủ yếu là hỗ trợ vật tư, nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi. Xây dựng 26 dự án thuộc tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng), có 191 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia...

 

Xin cảm ơn ông !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>