Trợ lực để người dân thoát nghèo bền vững

28/06/2024 | 07:33 GMT+7

Cùng với quyết tâm của hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp, tạo điều kiện để hộ nghèo vươn lên, cải thiện đời sống.

Sau nhiều cố gắng, gia đình chị Giúp đã thoát nghèo vào cuối năm 2023.

Đồng hành cùng hộ nghèo

Chị Mai Mỹ Dung, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng được cho mảnh đất để ra ở riêng. Không có vốn, chỉ dựng được căn nhà lá để ở. Sau vài năm, căn nhà nhỏ cũng xuống cấp, không đảm bảo an toàn vào mùa mưa”.

Trước khó khăn trên, năm 2023, gia đình được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết. Có nhà ở ổn định, vợ chồng chị càng cố gắng lao động. Tận dụng diện tích đất xung quanh nhà, gia đình nuôi gà. Ngoài ra, vợ chồng chị còn đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập. “Chúng tôi hy vọng nuôi gà thuận lợi, giá cả tốt, để gia đình có cuộc sống tốt hơn”, chị Dung chia sẻ.

Xác định hỗ trợ người nghèo về nhà ở là một trong những giải pháp giảm nghèo có ý nghĩa nhân văn và căn cơ. Thời gian qua, tỉnh đã vận động xây dựng và sửa chữa nhiều căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, giúp người nghèo an cư. Khi có nơi ở ổn định, hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ yên tâm lao động sản xuất, cải thiện thu nhập. Không những vậy, căn nhà còn là động lực, là niềm tin để người dân cố gắng vươn lên.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Giúp, ở ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của địa phương và thu được “quả ngọt” sau nhiều năm nỗ lực vượt nghèo.

Trước đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn, các con đang tuổi đi học, nên được chính quyền địa phương xét vào diện hộ nghèo. Là hộ nghèo, vợ chồng chị tích cực lao động sản xuất, tìm cách làm ăn, để cải thiện cuộc sống. Ngoài mướn 5 công đất ruộng, chồng chị đi làm hồ, mỗi ngày được 330.000 đồng. Còn chị vừa tham gia công tác ở ấp, vừa đi giặm lúa mướn.

Các con đã lớn, đi làm ở các công ty, có thu nhập hàng tháng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình dần ổn định và thoát nghèo. “Địa phương đã quan tâm, hỗ trợ thì mình ráng mà làm để vượt nghèo, nhường chế độ lại cho những người khó khăn hơn”, chị Giúp chia sẻ.

Để tạo điều kiện cho gia đình thoát nghèo bền vững, năm 2024 chị Giúp được xét hỗ trợ heo giống để chăn nuôi. Dự án đang chờ phê duyệt.

Giảm đến đâu chắc đến đó

Để thực hiện giảm nghèo đạt hiệu quả, hàng năm, các xã, phường, thị trấn ban hành kế hoạch, đề ra những giải pháp giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Rà soát nhu cầu hỗ trợ của người nghèo về vốn, học nghề, việc làm… để thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhằm “giảm đến đâu chắc đến đó”, hạn chế tái nghèo.

Ông Võ Hoàng Thâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết: “Hộ không có tư liệu sản xuất thì được đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm; đối với hộ có đất sản xuất thì hướng dẫn mô hình, tập huấn kỹ thuật. Hộ gặp khó khăn về nhà ở thì vận động xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết... Từ những hỗ trợ phù hợp tạo động lực, tiếp thêm điều kiện để người dân thoát nghèo bền vững”.

Thị trấn Nàng Mau có 61 hộ nghèo, năm 2024 địa phương đặt mục tiêu giảm 20 hộ nghèo.

Giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Năm 2024, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên.

Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa của công tác giảm nghèo. Chú trọng khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, ý thức vượt khó, tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo. Thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho người nghèo…

Toàn tỉnh có 6.611 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,29% và có 6.741 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,36% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Năm 2024, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên.

 

BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>