Đề xuất ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động

11/09/2024 | 14:59 GMT+7

Qua thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 tại phiên họp ngày 11-9, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thực tiễn triển khai thực hiện các CTMTQG thời gian qua còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các chương trình.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, năm nay là năm thứ 4 thực hiện chương trình, tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2024 đến hết tháng 6-2024 vẫn đạt thấp (23,62%), đặc biệt là vốn sự nghiệp (18,65%).

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG nhưng kết quả giải ngân các CTMTQG nói chung và chương trình giảm nghèo bền vững nói riêng cũng chưa có nhiều tiến triển so với năm 2023.

Báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 năm 2024, đại diện Bộ LĐTB-XH cho biết, năm 2024, chương trình đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%).

Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa phương vùng “lõi nghèo”, vùng Tây Nguyên, các tỉnh phía Tây của Tổ quốc…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh điều hành phiên họp

Tuy nhiên, công tác rà soát, xây dựng, ban hành một số quy định về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP) và Nghị quyết số 111/2024/QH15 tại một số địa phương còn chậm. Số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện cần ban hành khá lớn.

Đến nay, còn một nội dung chưa được hướng dẫn (đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”). Việc phân bổ vốn của một số địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc chương trình. Một số địa phương đề xuất, phê duyệt danh mục một số dự án đầu tư còn dàn trải, manh mún, trùng lắp, chưa đúng mục tiêu của chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Tại phiên họp, các đại biểu nhìn nhận chương trình đã đạt được một số kết quả. Mục tiêu chung về giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đạt và vượt mục tiêu được giao.

Tuy vậy, tính bao trùm, bền vững của chương trình còn hạn chế, trong đó có việc chưa thực sự cải thiện, nâng cao cuộc sống người dân một cách thực chất, hạn chế được tái nghèo và phát sinh nghèo, một số địa phương vẫn lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ LĐTB-XH, các bộ ngành trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc chuyển vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và các năm trước chưa sử dụng hết được kéo dài sang năm 2025; rà soát một số nội dung còn có khó khăn, vướng mắc liên quan Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG giảm nghèo bền vững và các văn bản khác của chương trình để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Quang cảnh phiên thẩm tra

Một đề xuất quan trọng khác là ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động theo Chỉ thị số 05 nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trong năm 2025, xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026 – 2030, xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030, trong đó có các CTMTQG để sớm trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cùng với đó, quyết định về chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 cũng được khuyến nghị sớm ban hành để Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, vì mức hỗ trợ nhà ở từ ngân sách nhà nước còn rất thấp so với nhu cầu thực tế xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Theo ANH PHƯƠNG/sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>